Nhọc nhằn nghề bốc vác

Thứ Hai, 06/05/2019 | 16:34

Trong thời buổi mà máy móc, thiết bị hiện đại đang dần thay thế sức người thì vẫn còn đó những phận đời kiếm sống với những việc nặng nhọc. Phần lớn họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp, việc làm nên phải lấy sức lực để mưu sinh.   

Nhóm bốc vác của anh Phươl chuyển lúa qua cống ngăn mặn cầu Số 2. Ảnh: C.L

Buổi trưa nắng, hơn 10 người già có, trẻ có khiêng vác, vận chuyển lúa qua cống ngăn mặn cầu Số 2 (huyện Hòa Bình). Anh Phươl, một người bốc vác, chia sẻ: “Nghề này vất vả, nặng nhọc lắm! Ai không có sức thì không “trụ” nổi. Có hôm về đến nhà tôi nằm lăn ra ngủ vùi. Còn chuyện trặc chân, trẹo vai, đi trượt đòn té nhào xuống kênh thì thường xảy ra. Hầu hết anh em làm nghề này có cuộc sống khó khăn nên họ rất thương nhau”.

Khi xe hàng đến, anh em bốc hàng lên hay vác hàng xuống với giá 25.000 đồng/tấn gạo, cám, thức ăn gia súc; 20.000 đồng/tấn xi măng. Xong việc, sau khi nhận “tiền tươi” từ chủ, anh em chia đều, không so đo kẻ vác nhiều người vác ít.

Nhiều nghề làm riết thành quen, nhưng với nghề bốc vác thì không. Những hôm làm việc nhiều, sự mệt mỏi, đuối sức hiện rõ trên gương mặt của từng người. Ngày có nhiều việc, mỗi người cũng kiếm được chừng 500.000 đồng, nhưng cái giá phải trả là toàn thân đau nhức khi đêm về.

Tuy nhiên, trong những bước chân nặng nhọc, những tấm áo ướt đẫm mồ hôi, những người phu khuân vác vẫn dành cho nhau những tiếng nói cười rộn rã. Nó như liều thuốc tinh thần giúp họ quên đi những bao hàng đang đè nặng trên vai và cả những nỗi lo toan của cuộc sống.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.