Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách: Nhiệm vụ trọng tâm​ và thường xuyên

Thứ Tư, 22/09/2021 | 14:52

Có thể nói, qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngân hàng CSXH huyện Hòa Bình tổ chức giao dịch lưu động đầu tư vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Ảnh: K.T

Với sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và Ngân hàng CSXH, nhiều chương trình tín dụng đã kịp thời triển khai đến các đối tượng thụ hưởng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xây dựng nên những mô hình giảm nghèo bền vững, từng bước giúp người dân vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống từ các chương trình tín dụng đầu tư cho học sinh, sinh viên hay nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn…

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Đó là vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng CSXH, cũng như chưa thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của chính sách này trong thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu an sinh xã hội và phát triển bền vững. Do vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa thật sự quyết liệt, còn tình trạng giao khoán trách nhiệm cho UBND, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác và thiếu kiểm tra, giám sát, nhất là chưa kịp thời ban hành các giải pháp để phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư và nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, chưa chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhằm đáp ứng yêu cầu cho vay…

Thêm vào đó, công tác phối - kết hợp giữa các cấp, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa thường xuyên, thiếu hiệu quả. Rồi vai trò của các tổ tiết kiệm vay vốn và bản thân các tổ trưởng cũng chưa được phát huy… Vì vậy, chất lượng tín dụng tuy đã có nhiều cải thiện, song tổng nợ xấu vẫn còn chiếm khá cao và Bạc Liêu trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nước.

Hộ dân tộc Khmer xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) được vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH tỉnh (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19).

Ngoài những hạn chế trên, việc thực hiện chính sách tín dụng trong những năm qua cũng tồn tại nhiều khó khăn nên cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị. Như việc phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ... ở một số nơi chưa được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ, nên hiệu quả sử dụng đồng vốn chưa cao. Cụ thể như trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đồng vốn đầu tư mới chỉ quan tâm đến khâu giải ngân sao cho hết vốn, còn đồng vốn và mô hình được đầu tư đó có phát huy được hiệu quả kinh tế, giúp hộ nghèo mang lại thu nhập, giải quyết thêm việc làm hay không gần như chưa được quan tâm?! Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng phát sinh nợ xấu và khó thu hồi nợ khi một dự án, mô hình sinh kế không tính đến các giải pháp rủi ro và đẩy các hộ vay vào cảnh khó càng thêm khó. Ở nhiều địa phương, công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách chưa được thường xuyên, còn tâm lý và tư tưởng trông chờ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xem vốn tín dụng là vốn cho không nên cố tình chây ỳ, né tránh không muốn trả nợ…

Mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn và bất cập này để thấy rằng, muốn nâng cao chất lượng tín dụng chính sách thì các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

NGUYỄN TRỌNG (Ngân hàng CSXH tỉnh)

------------------------------------

Thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách cho mục tiêu giảm nghèo bền vững

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và thực hiện có hiệu quả Kết luận 06 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành, MTTQ và các đoàn thể tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư và Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40. Xác định công tác tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2026.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp:

Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên; hằng năm HĐND, UBND tỉnh và cấp huyện cân đối nguồn vốn ưu tiên ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và lao động của tỉnh vay vốn sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm..., góp phần giảm nghèo bền vững. Xây dựng lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn tín dụng CSXH.

Rà soát các chương trình hỗ trợ sản xuất không hoàn lại từ ngân sách địa phương chuyển dần sang hình thức ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay ưu đãi nhằm tiếp tục thay đổi nhận thức trông chờ, ỷ lại của người dân; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tạo điều kiện cho Ngân hàng CSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng CSXH được vay vốn. Tập trung các nguồn vốn tín dụng CSXH có nguồn gốc từ ngân sách, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng CSXH…

Nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi nguồn vốn ngân sách tỉnh cho vay hỗ người người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị quyết 15/2020/NQ-HĐND, ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lao động.

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH; vận động người dân gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo, rà soát các loại quỹ từ thiện - xã hội mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng CSXH, nhằm góp phần bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng CSXH.

T.A

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.