“Má ơi, xuân này con không về”

Thứ Sáu, 01/02/2019 | 15:57

Đón tết, ai cũng hướng về quê hương để được đoàn tụ mái ấm gia đình. Thế nhưng, điều thiêng liêng đó đã không trở thành hiện thực đối với hàng trăm  học viên đang phải khép mình ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh chỉ vì… một phút ham vui. Dẫu biết rằng phải chấp nhận, thế nhưng những người vợ trẻ vẫn cứ trông chồng, con thơ trông cha, em trông anh và bao người mẹ ngày đêm trông ngóng con về.

MỘT MÙA XUÂN LỠ HẸN

Cuối giờ chiều của một ngày cận Tết Kỷ Hợi, Cơ sở cai nghiện ma túy (thuộc Sở LĐ-TB&XH) vẫn còn nườm nượp người xếp hàng chờ thăm gặp học viên. Lãnh đạo cơ sở này cho biết, càng gần về tết, nhu cầu gia đình, người thân thăm gặp học viên gấp đôi so với ngày thường. Từ quy định một ngày thăm gặp trong tuần, nay Cơ sở tăng lên 2 ngày nhưng vẫn đông nghẹt người, có hôm lên đến hàng trăm lượt. Có đủ thứ hoàn cảnh và muôn vàn lý do để 354 đối tượng trên địa bàn tỉnh phải “gặp nhau” ở nơi này. Nhưng điểm chung nhất ở họ là đều nghiện ma túy, bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh chăm sóc cây mai trong dịp đón Tết Kỷ Hợi.

H.V.H ở xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) là một trong những số đó. Tết này mới 23 tuổi nhưng H. có gần 1 năm bị “giam lỏng” tại cơ sở này. Sớm mồ côi cha, lẽ ra H. phải thương mẹ nhiều hơn, gánh vác giúp mẹ những việc gia đình. Thế nhưng, H. không làm được điều đó. Cuộc sống tạm ổn khi H. làm tài xế xe tải chở tôm ô-xy chạy tuyến Phó Sinh - Sài Gòn, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Ấm êm bên người mẹ già chẳng được bao lâu thì H. sa vào con đường nghiện ngập, bị đưa vào cơ sở cai nghiện 18 tháng. Mẹ ở quê nhà buôn bán chắt mót vừa tự nuôi thân, còn phải 2 tuần/lần lên cơ sở cai nghiện thăm con. Dù đã lớn tuổi và đơn chiếc nhưng mẹ của H. còn phải lo ngược lại cho con trẻ. H. tâm sự: “Cứ mỗi lần gặp em là mẹ khóc rất nhiều. Tết năm nay em không giúp mẹ sơn sửa, dọn dẹp nhà cửa được nữa. Em đã xin lỗi vì để mẹ làm tất cả những công việc này”. Biết là sẽ đón xuân thui thủi một mình, nhưng mẹ của H. vẫn động viên con: “Mai mốt về làm lại cuộc đời, ai cũng có một lần vấp ngã”.

Một trường hợp khác, trong thư gửi cho chồng đang khép mình trong cơ sở cai nghiện, chị T.T.A.H chia sẻ: “Ba tháng nữa là em sinh con. Em nhớ anh lắm, nhưng anh đừng lo cho em. Em cố gắng được mà…”.

Còn T.T.T ở xã Tân Phong (TX. Giá Rai), tết này mới 27 tuổi mà đã có vợ và 5 đứa con nheo nhóc. T. đi cai nghiện, vợ T. rơi vào cảnh vắng chồng, con vắng cha, cả nhà hụt hẫng trụ cột. T. nói: “Tết này em đã nhờ cha ruột ở quê mua dùm mấy bộ quần áo mới cho con em mừng. Riêng vợ của em thì phải vất vả vá lưới mướn với thời gian gấp đôi ngày thường để kiếm chén cơm manh áo”.  

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy được học thành thạo một nghề trước khi trở về địa phương.

Thêm một trường hợp khác, trong lá thư gửi con trai tên H.C.L.C, bà C.T.L. trải lòng: “Mẹ nghỉ làm thuê ở quán cơm vì chân cẳng mẹ yếu, giờ mẹ ráng không nổi nữa…”. Dù rất khổ tâm, nhưng tận đáy lòng, bà L. vẫn thốt lên: “Nếu tết năm nay con không về kịp, ở nhà lúc nào mẹ cũng cầu nguyện cho con bình an, khỏe mạnh”.

Với học viên nữ tên N.T.A, hoàn cảnh của A. có một con nhỏ để lại cho cha mẹ chăm sóc; còn chồng A. cũng vướng vào tù tội. Tết này sẽ là một cái tết không trọn vẹn với gia đình A. Hiện A. đang rất cố gắng chấp hành tốt nội quy, quy định của cơ sở để sớm được ra trại và gặp lại con mình. A. nói: “Tôi cảm thấy ân hận lắm. Ngày trước nếu như tôi suy nghĩ chín chắn hơn có lẽ gia đình tôi đã không rơi vào hoàn cảnh như bây giờ”.   

Bữa cơm thường ngày của học viên ở Cơ sở cai nghiện. Ảnh: T.Đ

… VÀ CÁI TẾT ĐẦY ẮP NGHĨA TÌNH

Ông Quảng Trọng Đô, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết: “Đón tết năm nay có 21 học viên hoàn thành nghĩa vụ cai nghiện, lao động và học nghề được đoàn tụ gia đình. Họ sẽ đi trên chuyến xe nghĩa tình do Cơ sở cai nghiện đưa về đến tận địa phương. Trên chuyến xe ấy, học viên ăn uống đều được Cơ sở đài thọ, nhưng hầu hết do quá mừng, nôn nao nên ít ai muốn ăn uống”. Cùng với niềm hạnh phúc đó vẫn còn 313 học viên phải ở lại tiếp tục điều trị, lao động, học tập và ăn tết tại cơ sở. Ông Đô cho hay, nhằm ổn định tâm lý cho các học viên đón tết xa nhà, đơn vị đang chuẩn bị chăm lo tết cho họ cả về vật chất lẫn tinh thần theo phương châm an toàn, vui tươi và tiết kiệm. Bên cạnh đảm bảo chế độ ăn hàng ngày (35.000 đồng/ngày/học viên), trong 4 ngày tết, mỗi phần ăn của học viên được tăng lên gấp 5 lần (175.000 đồng/ngày/học viên), bao gồm ăn sáng, trưa, chiều và tối. Học viên được ăn bánh tét, thịt heo quay và cả khô trâu… Cơ sở đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, thực phẩm phục vụ trong những ngày tết. Bên cạnh chế độ ăn uống, 4 ngày tết, học viên được tham gia chương trình giao lưu văn nghệ với đoàn viên - thanh niên của Cơ sở và các cơ sở Đoàn bên ngoài. Tổ chức cho các tổ, đội học viên hát với nhau trên sân khấu nhạc sống. Ngoài ra, họ còn được tham gia thi kéo co, bóng chuyền, trò chơi dân gian, hát karaoke, xem tivi tại phòng…

Theo kế hoạch, cơ sở sẽ tổ chức một buổi ăn tết tập trung cho toàn thể học viên, những ngày còn lại sẽ ăn uống tại phòng. Chương trình văn nghệ diễn ra đêm 29 Tết Kỷ Hợi. Đêm 30 Tết, học viên đón Giao thừa tại phòng nghỉ của mình, được cấp bánh, mứt, trà, xem tivi màn ảnh rộng. Đồng thời học viên còn được nghe chương trình phát thanh do Đoàn Thanh niên Cơ sở cai nghiện thực hiện, kể về những câu chuyện đầu xuân... Ngoài ra, cơ sở còn tạo điều kiện cho học viên gửi thư, gọi điện hỏi thăm gia đình; quan tâm, động viên những học viên có hoàn cảnh khó khăn để họ an tâm hoàn thành nghĩa vụ cai nghiện...

Hữu Duyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.