Khi hạt muối… lên bàn nghị sự

Thứ Sáu, 09/11/2018 | 16:06

Muối Bạc Liêu xưa gọi là muối Ba Thắc. Đó là hạt muối mặn, và có hậu… ngọt, không giống vị mặn chát của muối vùng miền khác. Nhưng, muối Ba Thắc lại cũng còn có lắm vị riêng của nó. Mặn, ngọt và cả vị “đắng”! Nghe thì có vẻ phi lý, nhưng thật sự là như thế. Mặn là đương nhiên, là cái làm nên chất muối, trong câu “muối mặn gừng cay”; ngọt là ngọt ngào lắng đọng và kết tinh lao động của diêm dân gửi gắm vào vị mặn đằm thắm và chân chất, còn đắng là muối của những vụ “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa”. Hoàn cảnh, thị trường, và cả “ông Trời” làm cho muối vốn mặn cũng biến thành vị… đắng!
Để không còn những mùa muối đắng, có một câu chuyện được đặt lên bàn nghị sự bởi những đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bạc Liêu - “chuyện về hạt muối Bạc Liêu".

Lung linh đồng muối Bạc Liêu
Tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt giải cao của Bạc Liêu trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế, quốc gia, khu vực, bao giờ cũng có hình ảnh đồng muối Bạc Liêu. Muối tung những cánh hoa trắng muốt. Muối như những chiếc nón lá nhấp nhô trên bãi rộng. Muối lấp lánh đan xen cùng ánh bình mình nhô lên phía chân trời. Đẹp vô ngần, bức tranh ruộng muối Ba Thắc - Bạc Liêu! 
Ở TP. HCM, từ một công ty chuyên về thực phẩm như Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Thực phẩm Yến Tiệc cho đến một đơn vị chuyên nghiệp về du lịch (DL) lữ hành như Vietravel đều khẳng định tiềm năng DL của hạt muối Bạc Liêu. Muối thì có gì mà làm DL? Thế mà dưới mắt chuyên gia, câu trả lời chắc nịch là: có! Kể câu chuyện về nghề làm muối, về sự vất vả, nhọc nhằn của bao đời diêm dân bám nghiệp yêu nghề. Có người ví muối là hạt ngọc của biển, nhưng để vị mặn mòi của biển kết tinh thành “hạt ngọc” thì diêm dân phải đổ mồ hôi, công sức, đôi khi có cả máu của đôi bàn chân trên từng ruộng muối. Và đó là câu chuyện mà người đi DL muốn khám phá, muốn trải nghiệm để biết về hạt muối mình ăn. Người ta không thể thiếu muối trong từng bữa ăn, nhưng chưa chắc ai cũng biết làm cách nào mới có được hạt muối. Và kể một câu chuyện hay sẽ kích thích người ta muốn mục sở thị để trải nghiệm.
Du khách sẽ “qua đêm” ở Bạc Liêu, với điều kiện DL nơi này được cải thiện. Người làm DL chuyên nghiệp đã hiến kế: Bạc Liêu phải xây dựng những tuyến đường cho xe khách 45 chỗ có thể vào tận nơi để tham quan mô hình làm muối Bạc Liêu. Hoặc thiết kế một điểm đến như thế nào mà mùa mưa cũng có thể xem được quy trình làm muối. Vậy thì trong câu chuyện làm DL, hạt muối Bạc Liêu cũng có chỗ đứng rất bề thế! 
Hình ảnh hạt muối Bạc Liêu luôn lung linh trong những bức ảnh nghệ thuật được cả thế giới chiêm ngưỡng. Lung linh như thế trong mắt nhìn chuyên nghiệp của những người làm DL. Thế nhưng, xung quanh hạt muối còn là những câu chuyện nhọc nhằn khiến cho muối mặn cũng biến thành vị… đắng.
Tôi đã đọc được những bài viết của đồng nghiệp về những mùa muối đắng. Đó là nỗi nhọc nhằn của đời diêm dân phơi mình trong cái nắng rát của đồng muối. Giá cả bèo bọt, được mùa - rớt giá, ruộng muối gần thu hoạch gặp mưa trái mùa thì công sức, tiền bạc coi như tan thành nước… mắt!

Diêm dân xã Điền Hải (huyện Đông Hải) thu hoạch muối. Ảnh: C.T

Để muối không còn “đắng”
Câu chuyện về hạt muối Bạc Liêu, nỗi lòng của những cử tri - diêm dân đã được các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu lắng nghe, tiếp nhận và đồng cảm. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2018, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản chất vấn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về kho dự trữ muối quốc gia đặt tại xã Điền Hải (huyện Đông Hải), với bức xúc của cử tri và diêm dân là sau 6 năm thi công dở dang thì bao giờ mới hoàn thành. 
Tìm hiểu về nguyên nhân chất vấn nội dung này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh - Nguyễn Huy Thái bộc bạch: “Bạc Liêu là vùng sản xuất muối lớn nhất nước với tổng diện tích 1.675ha, tổng sản lượng 75.000 tấn/năm. Tuy vậy, lượng muối làm ra chỉ tiêu thụ từ 13 - 25% bởi 2 doanh nghiệp của tỉnh; còn lại, diêm dân tự bán với giá rất rẻ, từ 800 - 2.200 đồng/kg (muối đen chỉ từ 500 - 1.200 đồng/kg). Những năm mất mùa, giá thường biến động theo hướng tăng, song họ không được hưởng lợi vì đã bán hết lượng muối làm ra để trang trải cuộc sống. Những năm được mùa, lượng muối tồn đọng trong dân rất lớn, năm 2017 tồn hơn 77.000 tấn. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, lắng nghe nỗi lòng của họ, bức xúc nhất là lượng muối tồn đọng rất lớn, nhưng không có điều kiện dự trữ để bán khi được giá. Năm 2010, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án xây dựng kho dự trữ muối quốc gia tại xã Điền Hải, và năm 2012 thì khởi công xây dựng. Bà con rất phấn khởi, nhưng công trình thi công một thời gian ngắn thì ngưng lại, không rõ lý do”.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết, kho dự trữ muối quốc gia có tích lượng dự trữ 9.000 tấn, với tổng mức đầu tư 38,366 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 100% vốn, Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành phần móng của 6/9 kho, giải ngân 12,7 tỷ đồng thì tháng 4/2013, Dự án được bàn giao cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước (thuộc Bộ Tài chính) triển khai các bước tiếp theo. Và rồi, dự án chững lại. Bức xúc trước kiến nghị của diêm dân và các cấp, các ngành, ngày 2/3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi Tờ trình đề nghị Bộ Tài chính hai phương án: Hoặc tiếp tục đầu tư hoặc chuyển giao dự án cho tỉnh quản lý để có hướng tiếp tục đầu tư. Hơn 1 tháng sau, ngày 19/4/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện việc quyết toán và chuyển giao Kho dự trữ muối quốc gia cho Bạc Liêu. Tuy nhiên, sau 13 tháng, Bạc Liêu vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước (?!).
Đem bức xúc này đến nghị trường, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nửa tháng sau, ngày 8/6/2018, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có văn bản trả lời UBND tỉnh Bạc Liêu. Và ngày 12/6/2018, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận được văn bản trả lời chất vấn do Bộ trưởng Bộ Tài chính ký. Hai văn bản đều khẳng định đang hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị các thủ tục để bàn giao Dự án cho địa phương tiếp tục đầu tư và khai thác sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Như vậy, câu trả lời cho cử tri Bạc Liêu đã có: Kho dự trữ muối quốc gia sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo sẽ là: Thời điểm chuyển giao dự án sẽ diễn ra khi nào? Diêm dân phải chờ bao lâu nữa? (từ khi họ hay tin kho dự trữ 9.000 tấn muối sẽ được xây dựng tại Bạc Liêu, đến nay đã tròn 8 năm). Và, trong điều kiện khó khăn về ngân sách, tỉnh sẽ tiếp nhận, đầu tư dự án này như thế nào? 
Đem câu hỏi này “chất vấn” Đoàn ĐBQH tỉnh, chúng tôi được ĐBQH - Nguyễn Huy Thái hồi âm: “Sau khi nhận được phúc đáp của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, ngày 13/7/2018, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý tiếp nhận dự án này. Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí cho dự án còn ít, không đủ để thực hiện kết thúc dự án theo quy mô đầu tư đã được phê duyệt, do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ bổ sung phần vốn còn lại để tỉnh có thể thực hiện, đầu tư kết thúc Dự án nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả đầu tư. Bạc Liêu đang cần sự hỗ trợ và mong câu trả lời của Bộ Tài chính về vấn đề này. Đồng thời, theo thông tin chúng tôi có được, dự kiến trong tháng 11/2018, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND tỉnh Bạc Liêu”. 
Khi số báo này đến tay bạn đọc, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV vẫn đang diễn ra. Và trong khuôn khổ kỳ họp, câu chuyện về hạt muối Bạc Liêu lại tiếp tục được nhắc đến với bao kỳ vọng và gửi gắm của cử tri Bạc Liêu tại kỳ họp trước. Cử tri Bạc Liêu đang mong đợi sự xúc tiến cụ thể từ câu trả lời của những người có trách nhiệm, những cơ quan liên quan, để hạt muối Bạc Liêu thêm hương vị đậm đà, diêm dân không còn cơ khổ vì những mùa muối đắng, để mai này khi du khách sải những bước chân ngắm nhìn ruộng muối, bà con diêm dân thỏa lòng vì giá trị của hạt muối quê mình.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.