Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu - Trần Quyền Dự: Hai nguyên nhân dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng

Thứ Sáu, 03/05/2019 | 17:15

Nhiều bạn đọc phản ánh, theo thông báo của ngành Điện, kể từ ngày 20/3/2019, giá điện tăng 8,36%, tuy nhiên trên thực tế họ phải thanh toán hóa đơn tiền điện tăng từ 20 - 50%, thậm chí có hộ tăng gấp đôi. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Quyền Dự - Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu, cho biết:

Xét riêng về việc tăng giá điện, theo Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công thương công bố ngày 20/3/2019 thì mức độ tăng giá bình quân của tất cả các nhóm khách hàng là 8,36%. Riêng với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mức tăng tiền điện từ 8,35 - 8,38% tùy theo mức độ sử dụng điện của khách hàng trong tháng, chi tiết tính toán tiền điện (gồm cả thuế GTGT) mà khách hàng phải trả trong tháng ứng với các mức tiêu thụ điện (xem bảng chi tiết kèm theo).

Việc hóa đơn tiền điện các hộ dân có thể tăng từ 20 - 50%, bên cạnh nguyên nhân từ việc tăng giá điện còn có hai nguyên nhân ảnh hưởng lớn. Thứ nhất, theo quy luật thời tiết, bắt đầu bước qua tháng 3, cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng bước vào mùa nắng nóng cao độ, nên nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao (thường tăng bình quân 16%). Thứ hai, số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày) là 3 ngày, số ngày tăng thêm trong tháng sẽ làm cho điện năng sử dụng của tháng 4/2019 tăng thêm 10,71%. Đây chính là hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể (26,71%).

Do số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng, kết hợp yếu tố sử dụng điện tăng mùa nóng vào những tháng hè, cộng với giá điện tăng. Kết hợp ba yếu tố trên (8,36% + 10,71% + 16%) làm tăng tiền điện khoảng 35,07%.

Ví dụ 1: Trường hợp khách hàng sử dụng điện trong tháng 2 với mức tiêu thụ là 400kWh, số tiền điện phải trả là 922.625 đồng; tháng 3 do nắng nóng tiêu thụ 500kWh, số tiền giá mới là 1.321.870 đồng (chênh lệch 399.245 đồng, tương đương 43,27%).

Ví dụ 2: Trường hợp khách hàng sử dụng điện trong tháng 2 với mức tiêu thụ là 500kWh, số tiền điện phải trả là 1.219.735 đồng; tháng 3 do nắng nóng tiêu thụ 600kWh, số tiền giá mới là 1.643.840 đồng (chênh lệch 424.105 đồng, tương đương 34,77%).

PV: Nhiều người cho rằng, cách tính lũy tiến hiện nay làm người dân bị trả tiền cao. Chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt (bậc 1 và bậc 2) là thấp hơn giá bán lẻ bình quân, các bậc còn lại đều cao hơn. Ông giải thích sao về việc này?

Ông Trần Quyền Dự: Ngày 7/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, quy định giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (từ 0 - 50kWh) và bậc 2 (từ 51 - 100kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp; các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng cho 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (từ 0 - 50kWh) hiện hành.

Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy, việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Có thể cho rằng, việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng là giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Việc áp dụng giá bán điện theo bậc được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng như Nhật Bản, lũy tiến theo bậc là 3 bậc; Thái Lan, lũy tiến theo bậc, dưới 150kWh/tháng là 7 bậc, trên 150kWh/tháng là 3 bậc; Malaysia lũy tiến theo bậc 5; Philipines (Meraco) lũy tiến 8 bậc. Quy định như vậy phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân (hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện sẽ phải chịu giá điện cao).

PV: Ông có chia sẻ gì thêm với khách hàng sử dụng điện trong giai đoạn này?

Ông Trần Quyền Dự: Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng điện trước và trả tiền sau. Hiện nay, phần lớn lượng điện năng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió… chưa được phát triển mạnh. Các dự án nguồn điện do các chủ đầu tư ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư bị chậm tiến độ và chưa đáp ứng được nhu cầu phụ tải tăng cao hằng năm (trên 10%). Do vậy, để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, EVN phải huy động các nguồn điện có giá thành cao như nguồn điện chạy bằng dầu (mỗi kWh điện chạy bằng dầu có giá thành sản xuất trên 4.500 đồng) nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá điện tăng.

Trong khi chờ đợi những giải pháp hiệu quả hơn cho việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Điện lực Bạc Liêu cũng mong muốn các khách hàng tiếp tục đồng hành với ngành Điện, nhất là trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hướng đến những lợi ích lớn hơn của cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kim Kim (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.