Cần có ngay các giải pháp trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Thứ Sáu, 05/01/2024 | 15:15

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về BVMT của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt vẫn còn là bài toán khó đối với tỉnh.

Sở TN-MT hỗ trợ thùng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho các địa phương.

NHIỀU CÁI KHÓ TRONG XỬ LÝ CTR

Có thể nói, công tác quản lý CTR thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc triển khai theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật BVMT năm 2020 quy định chậm nhất ngày 31/12/2024 CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại và quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân.

Nguyên nhân của việc khó khăn khi thực thi quy định nêu trên là do hiện nay Bộ TN-MT chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt, nên Sở TN-MT Bạc Liêu chưa có cơ sở để tham mưu cho tỉnh ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với hướng dẫn phân loại CTR sinh hoạt, mặc dù Bộ TN-MT có ban hành Công văn 9368 về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTR sinh hoạt, nhưng chưa hướng dẫn việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn đối với các tỉnh hiện chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thì thực hiện như thế nào nên tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Cụ thể, khi phân loại rác thành 3 nhóm theo hướng dẫn của Bộ TN-MT thì người dân tự trang bị 3 thùng rác khác nhau hay Nhà nước phải đầu tư? Trường hợp người dân không tự trang bị 3 thùng rác để phân loại thì cũng khó xử phạt theo quy định. Trường hợp Nhà nước đầu tư thì kinh phí quá lớn.

Thứ hai, trang thiết bị chưa đáp ứng đủ điều kiện để phân loại rác và toàn tỉnh hiện nay chỉ có 16 xe gom rác nhưng đều xuống cấp, cũ kỹ, chưa có chức năng phân thành 3 loại rác khác nhau khi thu gom. Bên cạnh đó, giá thu gom hiện tại đối với hộ gia đình là 20.000 đồng không đủ để duy trì hoạt động của Trung tâm Dich vụ đô thị nhưng vẫn có tình trạng người dân không đóng tiền rác.

Thứ ba là đa số các điểm tập kết rác và trạm trung chuyển rác thải chưa được đầu tư đáp ứng theo quy định tại Điều 26 Thông tư 02 của Bộ TN-MT do thiếu kinh phí thực hiện. Đặc biệt, đến nay tỉnh Bạc Liêu chưa có nhà máy xử lý rác thải tập trung nên sau khi phân loại thì rác thải sẽ được gom chung về một xe rác và đem về bãi rác tập trung. Mặc dù tỉnh đã quy hoạch cụ thể vị trí 3 khu xử lý rác thải tập trung nhưng đến nay tiến độ triển khai còn rất chậm.

Thu gom rác thải trên địa bàn TP. Bạc liêu. Ảnh: K.T

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN

Để công tác quản lý CTR được thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là thực hiện việc phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật BVMT năm 2020 cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, trong đó cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư hạ tầng phục vụ việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại nguồn.

Đối với ngành TN-MT, sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, báo, Đài PT-TH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT cho cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp nhằm tiến tới phân loại rác tại nguồn theo quy định.

Đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH-ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà máy xử lý CTR sinh hoạt 200 tấn/ngày đêm tại thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Đông Hải, huyện Hồng Dân đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư các khu xử lý chất thải theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Song song đó cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí đủ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT cấp huyện, xã nhằm đảm bảo công tác tham mưu về BVMT theo phân cấp đạt hiệu quả cao. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định 13 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý CTR trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung tổ chức lập kế hoạch năm 2024 cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR và bố trí kinh phí thực hiện, ưu tiên bố trí các phương tiện thu gom, vận chuyển CTR trên địa bàn huyện ít nhất 3 xe chuyên dụng; mở rộng thêm tuyến thu gom đến các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện quản lý. Bố trí quỹ đất để đầu tư điểm tập kết, trạm trung chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn quản lý theo quy định.

Đặc biệt là đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt để các địa phương làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt; xem xét phúc đáp Công văn 3276 của Sở TN-MT gửi Bộ TN-MT xin ý kiến hướng dẫn việc xác định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt trong khi chờ Bộ TN-MT ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR để các địa phương làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR nhưng đến nay chưa có văn bản phản hồi; xem xét ban hành hướng dẫn việc đóng bãi chôn lấp CTR sinh hoạt (đối với các bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh) để tỉnh Bạc Liêu thực hiện công tác BVMT trong quản lý, xử lý CTR đảm bảo theo quy định…

KHÁNH NGỌC

Theo thống kê của ngành TN-MT, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%). Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh CTR sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%. Lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực và tác động đến cả môi trường đất, nước, không khí và gây ra nhiều dịch bệnh cho con người…

Đặc biệt trong môi trường đất, các loại rác thải khó phân hủy và chứa nhiều chất độc khi bị lẫn vào trong đất sẽ tiêu diệt các vi sinh vật có lợi cho đất. Từ đó, làm giảm tính đa dạng sinh học của đất, cản trở đến quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng, đất trở nên chua và kém phì nhiêu, đồng thời cũng làm phát sinh nhiều sâu bọ phá hại cây trồng. Đáng quan tâm là hiện nay việc sử dụng tràn lan các loại túi nylon trong sinh hoạt và đời sống, khi xâm nhập vào đất cần tới 50 - 60 năm mới phân hủy hết và do đó chúng tạo thành các “bức tường ngăn cách” trong đất hạn chế mạnh đến quá trình phân hủy, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.