Phát triển, quy hoạch đô thị phải gắn với quốc phòng, an ninh

Thứ Sáu, 13/04/2018 | 16:12

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý phát triển đô thị.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đô thị hóa cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và bao quát của các quy định pháp luật về phát triển đô thị đặt ra yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, đưa đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo quy hoạch và có kế hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Đỗ Bá Tỵ phát biểu ý kiến. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội - Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh đến nguyên tắc phát triển, quy hoạch đô thị phải gắn với quốc phòng, an ninh. “Đây là nguyên tắc bất di bất dịch để bảo đảm tính lâu dài, chu đáo cả trong thời bình; phát triển đô thị phải gắn với quốc phòng, an ninh thông qua quy hoạch, thiết kế, các dự án phát triển đô thị... Hệ thống tầng hầm, mương, máng, hệ thống thoát nước ở đô thị cũng là những công trình gắn với quốc phòng, an ninh rất tốt khi được quy hoạch hợp lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội - Đỗ Bá Tỵ nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Lê Thị Nga đồng ý với việc cần có những quy định để nhằm xây dựng đô thị phát triển, nhất là những đô thị mới đáp ứng yêu cầu của đất nước, từng bước theo kịp xu hướng phát triển đô thị quốc tế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Lê Thị Nga băn khoăn nếu phân biệt chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn thì khi có luật về quản lý và phát triển đô thị, liệu có dự kiến ban hành luật tương ứng về quản lý phát triển nông thôn để quản lý 80% dân số nước ta hay không?

Đề cập đến tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án luật trong hệ thống pháp luật nói chung, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Lê Thị Nga nhấn mạnh, đây là một dự án luật có liên quan đến nhiều đạo luật khác, vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án có báo cáo cụ thể về những đạo luật có liên quan; những tác động của luật khi được ban hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách - Nguyễn Đức Hải cho rằng, dự án luật nên có những quy định cụ thể hơn về vấn đề đền bù, thu hồi đất trong phát triển đô thị; hạn chế tình trạng phát sinh khiếu kiện trong đền bù thu hồi đất; hay việc không thực hiện được các ý đồ lớn về quy hoạch đô thị… Đại biểu Nguyễn Đức Hải đưa ra dẫn chứng, trên thực tế những bất cập trong thu hồi đất đô thị đã làm phát sinh những vấn đề khiếu kiện phức tạp hay xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, siêu nhỏ… và đề nghị luật cần có những quy định để phát triển đô thị tương lai. Đại biểu băn khoăn liệu dự án luật có giải quyết được các vấn đề lớn của đô thị hiện nay, thật sự tạo chuyển biến trong phát triển đô thị hay không.

Đại biểu Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng dự thảo luật chưa đề cập đến quản lý không gian trên cao của đô thị. Dẫn chứng việc thủ đô bỏ lỡ cảnh quan đẹp hai bên bờ sông Hồng, đại biểu đề nghị dự luật nên có phần về quản lý không gian trên cao để tránh việc không có tầm nhìn.

Đại biểu cũng đề nghị giải thích rõ điểm 1 Điều 46 của dự luật: “Các dự án cải tạo, chỉnh trang khu đô thị được nộp tiền tương đương quỹ nhà ở xã hội và không phải bố trí quỹ nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về nhà ở”. Đại biểu phân vân về điều này, cho rằng nhà ở xã hội là một chính sách lớn, nếu tính theo cơ chế trả tiền như trên khi cải tạo khu đô thị, nếu không khéo sẽ có chuyện tạo thành những “ốc đảo”.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc phân vân khi vấn đề quản lý đô thị là một vấn đề lớn, song dự luật được thiết kế xây dựng chỉ có 66 điều như vậy thì đã được đầy đủ chưa, đã bao quát toàn diện được các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị chưa? Tổng Thư ký Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu lên hàng loạt vấn đề lớn của đô thị mà dự luật chưa đề cập đến như vấn đề về quản lý, phát triển giao thông đô thị, công tác chỉnh trang đô thị, phát triển các khu phục vụ công cộng; vấn đề vệ sinh công cộng, thu gom, xử lý rác thải, việc quản lý tên phố, số nhà… và đề nghị dự luật cần xem xét để đưa vào những quy định mang tính chất thực thi.

Theo QĐND

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.