Đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú: Những điều rút ra từ thực tiễn

Thứ Hai, 17/09/2018 | 16:24

Nhằm tạo mối quan hệ gần gũi giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của dân nơi cư trú, Bộ Chính trị có Quy định 76 về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Tuy nhiên trên thực tế, trách nhiệm lớn này thời gian qua chưa được thực hiện tốt.

Bài 2: Tạo chất keo gắn kết với cơ sở

>>Bài 1: Lạnh nhạt mối quan hệ với cơ sở

Việc giữ mối liên hệ với nơi cư trú của các đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo Quy định 76 của Bộ Chính trị thật sự có vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, dù còn nhiều hạn chế cần khắc phục, nhưng các huyện, thị, thành ủy đều cho rằng đảng viên khi về sinh hoạt nơi cư trú có rất nhiều lợi ích. Đảng viên được cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội của địa phương, qua đó phát động gia đình gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch của địa phương phát động. Cấp ủy cơ sở thì có thêm nguồn lực quan trọng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phong trào của địa phương. Nhưng làm thế nào để những vấn đề này phát huy trong thực tiễn?

NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA ĐẢNG VIÊN

Đoàn công tác của Tỉnh ủy do đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh vừa có đợt khảo sát tại một số huyện, thành ủy để nắm tình hình về việc thực hiện Quy định 76 cũng như một số vấn đề khác. Với phương châm nhìn thẳng, nói thật, một thực tế được chính các đồng chí lãnh đạo nhìn nhận là tinh thần trách nhiệm và thái độ của một bộ phận đảng viên về giữ mối liên hệ với nơi cư trú chưa tốt. Họ chưa xem việc đóng góp cho nơi cư trú là trách nhiệm của bản thân. Không ít người quan niệm rằng, chỉ cần đóng góp Quỹ An sinh xã hội cho khóm, ấp là hoàn thành xong nhiệm vụ mà không hề quan tâm đến những vấn đề bức xúc trong thực tiễn ở khu vực đảng viên sinh sống. Điều này xuất phát từ nhận thức của chính cán bộ, đảng viên khi chưa thấy được hết tầm quan trọng của việc giữ mối liên hệ với nơi cư trú cũng như chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của bản thân với địa phương. Vì vậy, để việc thực hiện Quy định 76 đạt hiệu quả như mong muốn, không còn là hoạt động mang tính hình thức thì sự thay đổi đầu tiên tất yếu phải là thay đổi từ nhận thức của đảng viên và cả cấp ủy nơi cư trú!

Trong các buổi làm việc với Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đồng chí Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh giải pháp đầu tiên để thực hiện tốt Quy định 76 là phải nâng cao nhận thức của đảng viên về trách nhiệm và sự cần thiết phải tạo mối quan hệ gắn bó với tổ chức đảng nơi cư trú. Chỉ khi đảng viên hiểu và nhận rõ xây dựng mối liên hệ với nơi cư trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm đối với địa phương và quê hương nơi mình cư trú, là tạo ra chất keo gắn kết chặt chẽ với nhân dân thì lúc đó sẽ không còn sự lạnh nhạt trong mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức đảng nơi cư trú. Với cấp ủy cơ sở, cần nhìn nhận việc kết nối với đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không chỉ đơn giản là thêm nguồn lực để vận động các loại quỹ mà quan trọng hơn là tiếp sức cho các phong trào địa phương. Từ đó mới có thể phát huy hết vai trò của đảng viên khi về sinh hoạt nơi cư trú.

Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Bí thư Huyện ủy Hòa Bình trao đổi với các đảng viên Chi bộ ấp An Nghiệp (xã Vĩnh Mỹ B). Ảnh: Hồng Đào

TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP ỦY

Những vấn đề tồn tại trong việc thực hiện Quy định 76 của Bộ Chính trị có một phần nguyên nhân từ chính cấp ủy cơ sở. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy nhìn nhận cấp ủy xã, phường và các khóm, ấp chưa thẳng thắn khi đánh giá, nhận xét đảng viên về giữ mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú. Không ít đảng viên không tham gia sinh hoạt định kỳ, không có đóng góp cho địa phương, thậm chí là không chấp hành các chủ trương của chính quyền địa phương vẫn chưa được nhận xét đúng thực tế. Lý giải từ các bí thư chi bộ thì cho rằng nếu nhận xét một cán bộ, đảng viên không chấp hành tốt chủ trương của địa phương nơi cư trú thì rất… ngại vì ảnh hưởng đến mối quan hệ hàng xóm, láng giềng. Hơn thế, mỗi năm địa phương đều phải vận động Quỹ An sinh xã hội trong đội ngũ này nên cũng hạn chế những nhận xét không tốt! Những trường hợp như Bí thư chi bộ khóm 2 (phường 8, TP. Bạc Liêu) cảm thấy ngại nhận xét thẳng vì sợ va chạm không phải là phổ biến, nhưng ít nhiều cho thấy cấp ủy cơ sở chưa dám nói thẳng, nói thật đối với đảng viên ở cấp cao hơn. Khi đã không dám nói thẳng, nói thật thì sự đóng góp cho đảng viên hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, không có ý nghĩa xây dựng cho đảng viên đương chức rèn luyện, phấn đấu tốt hơn.

Vì vậy, thay đổi từ cấp ủy cơ sở, nơi tiếp nhận đảng viên về giữ mối liên hệ nơi cư trú là phải đánh giá đúng thực trạng, không nể nang với những biểu hiện của đảng viên ở địa phương. Đó cũng là yêu cầu của đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trong các chuyến khảo sát tại các huyện, thị, thành ủy vừa qua. Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu cấp ủy cơ sở phải quan tâm đổi mới nội dung sinh hoạt gắn với thực tiễn của địa phương, đổi mới hình thức sinh hoạt. Có như thế mới thu hút sự đóng góp của đảng viên. Và khi cấp ủy cơ sở đã nhận được ý kiến đóng góp thì phải có giải pháp xử lý hoặc phối hợp, báo cáo với các cấp, các ngành xử lý đến nơi đến chốn, không thể chỉ xem đó là những đóng góp “cho có” mà không dành sự quan tâm nào để giải quyết. Với cấp ủy cấp trên, cần xem những đánh giá cấp ủy nơi cư trú là cơ sở quan trọng để nhìn nhận toàn diện đảng viên chứ không phải để gây khó cho cán bộ cấp trên.

Khi mối quan hệ giữa đảng viên ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp các cấp với địa phương nơi cư trú được nâng lên, thực chất và gắn bó hơn thì không chỉ giúp cho địa phương mà cả Đảng bộ tỉnh cũng được hưởng lợi từ việc nắm dân, gần dân, sát dân của mỗi đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, để chủ trương này mang lại hiệu quả như mong đợi, cần phải có sự chung sức từ các cấp ủy và từ mỗi đảng viên.

...............................................................................................................................................................................................................................

Nhiệm vụ của cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên cư trú

- Chủ động nắm số lượng đảng viên, họ tên, địa chỉ công tác... của từng đảng viên đang cư trú ở phường, xã, khu dân cư của mình.

- Định kỳ và khi cần thông báo cho đảng viên biết tình hình, nhiệm vụ của địa phương có liên quan để đảng viên nắm được thông tin, gương mẫu thực hiện, vận động gia đình và nhân dân thực hiện.

- Định kỳ hàng năm hoặc khi cần thông báo với cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đang công tác về tình hình đảng viên thực hiện nhiệm vụ ở nơi cư trú; đề nghị biểu dương những đảng viên thực hiện tốt và góp ý kiến với những đảng viên chưa thực hiện tốt hoặc có thiếu sót, khuyết điểm ở nơi cư trú.

...............................................................................................................................................................................................................................

THANH LÂM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.