BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Kiên định đường lối của Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 02/08/2023 | 16:35

Kỳ cuối: Kiên định đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Kỳ 1: Nhận diện “giặc nội xâm” tham nhũng

Nhận thức sâu sắc về sự phức tạp và vô cùng khó khăn của công tác phòng, chống tham nhũng nên Đảng ta đã chỉ đạo: Trong phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì và sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, biện pháp mới mang lại hiệu quả. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn” với phương châm: “Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng”.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Xác định phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, nên trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI, XII đã nhấn mạnh nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Bước phát triển mới trong quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII về phòng, chống tham nhũng, được thể hiện ở nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.      

Theo đó, Đảng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa công sở “mẫu mực, tiêu biểu”, nói không với tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Để có nhận thức tốt, hành động đúng thì công tác tuyên truyền, giáo dục phải tiên phong trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đây còn là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao nhận thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nêu cao tinh thần phục vụ, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng văn hóa công sở mẫu mực, tiêu biểu, phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo đó, công tác tuyên truyền phải bám sát các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, sự đồng lòng của người dân, tuyên truyền về tác hại của tham nhũng, tiêu cực, những vụ án tham nhũng, những biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng... qua đó tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được thực hiện đồng bộ, với nhiều hình thức, chú trọng tuyên truyền, giáo dục trực tiếp ở các cơ quan, đơn vị, ở các địa bàn dân cư. Phối hợp cùng các cơ quan chức năng, báo, đài thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực, bám sát đối tượng, lựa chọn nội dung phù hợp, thường xuyên tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải gắn với công tác bảo vệ, khen thưởng, động viên; đồng thời kiên quyết vạch trần, phê phán, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước ta; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng

Bên cạnh công tác tuyên truyền, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn ở nước ta. Đây là yếu tố cơ bản, là nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phải xây dựng các quy chế trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức; hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lấy việc nêu gương trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cùng với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao là thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ, đảng viên.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả nạn “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cấp ủy, tổ chức đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân cần xác định công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí ngay trong nội bộ cơ quan, đơn vị. 

Công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách, vừa thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng; là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

ĐINH HẢI NAM

 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.