BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Kiên định đường lối của Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Kỳ 1: Nhận diện “giặc nội xâm” tham nhũng
Tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một “quốc nạn”, là “căn bệnh” nguy hại, là một trong 4 nguy cơ làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; công tác PCTN được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp.
TÍCH CỰC ĐẤU TRANH PCTN
Tham nhũng là vấn nạn của nhiều quốc gia, thực chất tham nhũng là hiện tượng xã hội đã xuất hiện sớm trong lịch sử loài người, nó tồn tại trong mọi chế độ chính trị khác nhau, gắn liền với Nhà nước và quyền lực. Bản chất của tham nhũng gắn liền với quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế và cho dù quốc gia đó chế độ chính trị nào, chủ nghĩa xã hội hay tư bản chủ nghĩa, chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì vẫn có nạn tham nhũng. Tham nhũng là một vấn đề nan giải, một căn bệnh nhức nhối với những “hình hài” rất phức tạp, đang hoành hành trên nhiều lĩnh vực, gây ra những hậu quả tiêu cực ở các quốc gia với chế độ xã hội khác nhau.
Nói về tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”. Bước vào thời kỳ đổi mới, tình trạng tham nhũng, tiêu cực bộc lộ ngày càng rõ nét, diễn biến hết sức phức tạp, “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”.
Xem công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Đảng ta xác định: “tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”. Cũng tại Hội nghị này đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng BCĐ.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 của BCĐ Trung ương về PCTN, công tác PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Mười năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.
Minh họa: Internet
TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG
Tác hại nguy hiểm nhất do tham nhũng gây ra đó là đe dọa sự tồn vong của chế độ. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước ta, vai trò của quần chúng nhân dân là rất to lớn, tham nhũng có thể tạo ra những khủng hoảng chính trị do niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”, nó là “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”. Vì vậy, Người cũng từng khẳng định: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Tham nhũng còn gây ra tác hại rất nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tham nhũng làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế, phá vỡ những chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho Nhà nước và người dân, làm cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta bị trì trệ, lạm phát tăng cao, giá cả thị trường bấp bênh, đời sống của Nhân dân ngày một khó khăn. Đặc biệt, tham nhũng còn gây ra bất ổn trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa các quốc gia, khu vực. Tham nhũng làm sai lệch sự lựa chọn chính sách phát triển kinh tế; làm giảm sức cạnh tranh giữa các thị trường, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, là “rào cản vô hình” với các nguồn vốn từ bên ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, tham nhũng còn gây ra hệ lụy xấu đến các hoạt động y tế, giáo dục, làm cho người dân ít có điều kiện tham gia các hoạt động công cộng, các hoạt động an sinh xã hội, đào tạo việc làm, khám chữa bệnh… Tham nhũng còn làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội, phá hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, làm tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tham nhũng còn gián tiếp tạo ra tội phạm về hình sự, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tội phạm tẩy rửa tiền làm thất thoát và sử dụng sai trái một phần quan trọng nguồn lực các quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị và phát triển bền vững của các nước đó.
Nhận thức rõ tác hại của tham nhũng, Đảng ta đã từng chỉ rõ, tham nhũng là một mối nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, cùng với các nguy cơ khác như nguy cơ “diễn biến hòa bình”, “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế” và nguy cơ “chệch định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tham nhũng diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Chính vì vậy, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, công cuộc đấu tranh PCTN có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là đòn bẩy để phát triển đất nước, tạo lòng tin của quần chúng nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng.
ĐINH HẢI NAM (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu)
- Kiểm tra, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại xã Phong Tân
- Hội thảo “Truyền thông về năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero” mùa 2 - năm 2024
- Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hộ tịch, chứng thực 2024
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải