Xuân Canh Tý 2020

Hưng sắc xứ cơ cầu

Thứ Ba, 21/01/2020 | 10:12

Nói hương sắc thì đơn nghĩa quá, mà phải là hưng sắc. Đó là sắc màu của một vùng đất hưng thịnh về đời sống, độc đáo, đậm đà về bản sắc văn hóa. Về Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử, thưởng thức vị bún mắm đặc trưng, vọng câu ca dao của người xưa “Bạc Liêu là xứ cơ cầu/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”… bỗng thấy nôn nao lòng dạ. Muốn viết về Bạc Liêu thì phải có thời gian để chiêm nghiệm, thấu cảm về chiều sâu văn hóa, con người. Không thể nóng vội kiểu ăn xổi ở thì được…

Bún mắm Trường Sa, đờn ca Gành Hào

Cuối năm Kỷ Hợi 2019, một nhóm nhà báo, nhà văn từ Hà Nội đi thực tế sáng tác ở một số tỉnh Nam bộ, viết bài cho các ấn phẩm báo Xuân Canh Tý 2020. Địa phương cuối cùng các tác giả lưu lại trong chuyến thực tế là Bạc Liêu. Trở về sau 10 ngày rong ruổi xứ sở sông nước miệt vườn, anh chị em có cuộc hội ngộ ngắn ngủi với đồng nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh ở một nhà hàng bình dân gần sân bay Tân Sơn Nhất. Chia sẻ với chúng tôi về chuyến đi, cây bút lớn tuổi nhất trong nhóm bày tỏ sự tiếc nuối: “Nếu không vì đã mua vé máy bay khứ hồi, chúng tôi đã có thể lưu lại Bạc Liêu lâu hơn. Lâu nay rất nhiều người có suy nghĩ, văn hóa - du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần đi một tỉnh là có thể hình dung ra toàn khu vực, vì ở đâu cũng na ná nhau. Nhưng khi đến Bạc Liêu thì buộc người ta phải thay đổi quan niệm. Cũng là đờn ca tài tử nhưng nghe hát bên sông Gành Hào, du khách mang tâm trạng rất riêng. Câu ca chuyển tải thông điệp về chiều sâu của một vùng đất đa sắc, đa dạng về văn hóa nhưng có một mẫu số chung đó là sự đằm thắm, da diết của tình đất, tình người. Muốn viết về đất và người Bạc Liêu phải có thời gian trải nghiệm, thấu cảm mới nắm bắt được cái mạch nguồn gốc rễ của vấn đề. Không thể đi thực tế theo kiểu chuồn chuồn đạp nước, ăn xổi ở thì được”…

Cuộc hội ngộ của các bạn viết ở hai miền Nam - Bắc đơn thuần chỉ là gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ tình cảm cùng nhau. Nhưng từ những lời tâm huyết của nhà văn đàn anh, mọi người lập tức bị cuốn vào câu chuyện về nghề. Ai cũng thấy, các vùng, miền trên cả nước có đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa đặc trưng, hình thành và phát triển thành những vùng văn hóa đậm đà bản sắc. Thứ dễ tác động vào trực quan của du khách chính là sắc màu văn hóa của vùng đất ấy. Nói đến xứ sở miệt vườn Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long… là nói đến màu xanh mơn mởn của cây trái miệt vườn. Đặt chân đến Bạc Liêu, trong bức tranh phong cảnh đa sắc, ai cũng nhận ra gam màu chủ đạo đó là sắc vàng óng ả của mùa lúa chín, của hệ thống chùa chiền uy linh và màu áo của tăng ni, phật tử, quyện cùng sắc hoa mai ngày Tết ở khắp các vùng quê. Trong quan niệm dân gian, màu vàng mang ý nghĩa của giác ngộ, hạnh phúc, là hiện thân của ánh sáng và mùa Xuân. Đó là màu sắc đặc trưng của Bạc Liêu, màu sắc của hưng thịnh về đời sống, giác ngộ về văn hóa tín ngưỡng. Với bề dày lịch sử hơn 200 năm, Bạc Liêu được coi là vùng đất “trẻ”. Đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… quần tụ từ thuở hồng hoang, vượt qua những giai đoạn cơ cầu, xây dựng nên truyền thống lịch sử, văn hóa của một vùng đất trù phú, đậm đà tình nghĩa, bản sắc…

Lễ Dâng y của đồng bào Khmer xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi).

Nghề cầm bút giúp tôi có nhân duyên gắn bó những năm tháng trai trẻ với đất và người Bạc Liêu. Tôi thường đi cùng cán bộ, chiến sĩ trong các đội công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu về với bà con trong các phum, sóc, tham gia các hoạt động văn hóa của người Khmer, nhất là 3 lễ hội lớn trong năm: Chôl-chnăm-thmây, Oóc-om-bóc và Đôn-ta. Hiếm có địa phương nào trên cả nước lại có các hoạt động lễ hội văn hóa đa dạng, phong phú như Bạc Liêu. Ngoài các lễ hội của người Khmer, còn có các lễ hội Cúng đình, Kỳ yên, Hạ điền… của người Kinh; lễ hội Thanh minh, Thí giàn… của người Hoa. Các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống trải đều khắp các thời điểm trong năm, tạo nên sức hút hấp dẫn đối với du khách. Đây cũng chính là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Bạc Liêu gắn với “đặc sản” đờn ca tài tử.

Mấy năm trước, tôi trở lại Trường Sa cùng đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng. Khi đoàn dừng chân hai ngày trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi được ngư dân ở đây chiêu đãi món bún mắm, do một ngư dân quê gốc Bạc Liêu nấu. Nguyên liệu hải sản tươi ngon giữa trùng khơi, quyện trong vị mặn ngọt đậm đà và mùi hương dậy lên thơm nức khiến tất thảy cán bộ, chiến sĩ hải quân và các thành viên trong đoàn công tác tấm tắc. Càng ấn tượng hơn khi buổi tối hôm đó, sau khi thưởng thức bún mắm Bạc Liêu, chúng tôi được tham dự chương trình giao lưu văn nghệ với quân, dân trên đảo. Điệu “Dạ cổ hoài lang” do một chiến sĩ quê ở miệt vườn sông nước Cửu Long thể hiện ngọt ngào khiến mọi người mê mẩn. Trong môi trường hội nhập, ẩm thực đặc sản không chỉ là món ăn mà nó được nâng tầm trở thành “sứ giả” của văn hóa. Sau chuyến công tác đáng nhớ ấy, anh em đồng đội từ Hà Nội mỗi lần vào Nam bộ công tác thể nào cũng sắp xếp thời gian hội ngộ với chúng tôi. Và tất nhiên, chúng tôi lại mời đồng đội tìm đến những quán bún mắm của người Bạc Liêu ở Sài Gòn để cùng nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên giữa sóng gió trùng khơi…

Hát mãi khúc quân hành. Ảnh: P.T.C

Điệu đờn ca trong nhịp quân hành

Ở phía Nam có hai đoàn nghệ thuật của quân đội quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, đó là Đoàn Văn công Quân khu 7 và Đoàn Văn công Quân khu 9. Tại các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, lần nào các nghệ sĩ - chiến sĩ cũng được trao những giải thưởng danh giá cho các giọng ca, tiết mục ca cổ, cải lương. Một trong những gương mặt nổi tiếng về ca cổ, cải lương là nghệ sĩ Nguyễn Chí Luông ở Đoàn Văn công Quân khu 9. Nguyễn Chí Luông quê ở xã Vĩnh Hưng, (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống đờn ca tài tử. Thân phụ anh là tay đờn có hạng ở địa phương. Chí Luông nhập ngũ, được đào tạo bài bản tại Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Với chất giọng thiên bẩm và vốn văn hóa phong phú về đờn ca tài tử, ca cổ, Chí Luông liên tục gặt hái thành công trên con đường hoạt động nghệ thuật. Liên tục 10 năm qua, anh được trao nhiều huy chương, giải thưởng cho các tiết mục ca cổ tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ, nguyên Chính ủy Quân khu 7 là người rất rành về ca cổ và văn hóa đờn ca tài tử, ca hay, đờn giỏi. Quê ở Long An nhưng ông am hiểu sâu sắc đất, người và văn hóa Bạc Liêu. Hơn 4 thập kỷ sống đời quân ngũ, ông đã sáng tác nhiều bài ca cổ mang âm hưởng của điệu “Dạ cổ hoài lang”. Tướng Dỹ nói rằng, xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội chính là làm cho tinh túy của văn hóa, đạo đức người Việt sinh sôi, phát huy trong môi trường văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ. Môi trường văn hóa của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn Nam bộ không thể thiếu đờn ca tài tử, ca cổ, cải lương… những hình thức đặc trưng của dòng văn hóa - nghệ thuật vùng sông nước Cửu Long. Mà nói đến dòng văn hóa dân gian độc đáo ấy, Bạc Liêu là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tinh túy nhất.

Mùa Xuân Canh Tý 2020, cả nước ta hòa nhịp vào dòng chảy chủ lưu của đời sống văn hóa với chuỗi sự kiện, hoạt động trọng điểm: Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12); 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thế nước đang lên! Vận của dân tộc đang hưng thịnh. Nước mạnh, quân hùng. Trong nhịp quân hành của những đoàn quân tiến bước dưới quân kỳ; trong sắc màu, âm thanh hào sảng của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, có những khoảng lắng sâu cảm xúc của điệu đờn ca. Môi trường quảng giao rộng mở làm cho đời sống văn hóa - nghệ thuật không còn khái niệm khu biệt. Từ Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió đến địa đầu Lũng Cú nơi cực Bắc, đâu đó trên mỗi dặm dừng chân của du khách muôn phương, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp âm điệu bay bổng lắng sâu của bản “Dạ cổ hoài lang”. Giữa Hà Nội ba mươi sáu phố phường, bè bạn vẫn có thể mời ta một tô bún mắm Bạc Liêu dậy mùi hương quyến rũ, kể ta nghe về giai thoại Công tử Bạc Liêu trong cái rét căm căm cuối mùa đông. Văn hóa Bạc Liêu như dòng nước trên sông Gành Hào vậy, không cuộn lên dữ dội như sông Hồng mùa lũ, mà êm đềm sâu thẳm đi vào tâm can con người các thế hệ, để rồi cứ thế mà ngấm dần, mà lan tỏa đến mênh mang.

Lại nhớ câu ca của người xưa “Bạc Liêu là xứ cơ cầu/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Đã qua rồi cái thuở cơ cầu cực nhọc ấy. Giờ đây, trong hưng sắc xứ sở, Bạc Liêu dang rộng vòng tay đón chào du khách muôn phương, kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch, sinh cơ, lập nghiệp...

Đất lành ươm nở những mùa hoa…

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.