Xuân Bính Thân 2016

Nông sản Bạc Liêu đón chào TPP

Thứ Năm, 28/01/2016 | 10:54

Ngày 5/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước (gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tuyên bố đàm phán thành công TPP - Hiệp định của thế kỷ 21. Cùng với nền nông nghiệp cả nước, từ đây nông nghiệp Bạc Liêu cũng bắt đầu một cuộc chiến mới, mà ở đó cần sự thay đổi mạnh mẽ cả tư duy và hành động để có thể vượt qua thách thức, tự tin bước vào sân chơi đầy thú vị.

Mùa vàng. Ảnh: Đặng Quang Khương

CHỌN TÂM THẾ BƠI RA BIỂN LỚN

Cũng giống như nông dân cả nước, nông dân Bạc Liêu vẫn còn mơ hồ về cụm từ TPP mà chính họ là người trong cuộc. Kể từ đây, nông sản Bạc Liêu đã chính thức vươn ra biển lớn - khu vực Thái Bình Dương mà ở đó nền nông nghiệp các nước đều phát triển hơn mình, có cả cường quốc về nông nghiệp như: Mỹ, Nhật, Úc, Canada, New Zealand… Ở một chuẩn mực mới, một ngưỡng cửa mới không còn hàng rào thuế quan dành cho tất cả các loại nông sản thì nền nông nghiệp Bạc Liêu sẽ không được phép lạc hậu, nhỏ bé hay dậm chân tại chỗ.

Là “Tư lệnh” của ngành NN&PTNT Bạc Liêu, ông Lương Ngọc Lân đã hình dung một viễn cảnh tới đây nông sản nước ngoài với chất lượng cao, giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường và khi đó, liệu nông sản của Bạc Liêu sẽ “sống” ra sao? Tuy nhiên, ông Lân khẳng định, nông sản Bạc Liêu vẫn có thế mạnh để tham gia cuộc chơi này. Nếu như 20% lượng tôm của Mỹ được nhập từ Việt Nam thì cả diện tích và sản lượng tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh của Bạc Liêu đang đứng nhất ĐBSCL. Đã 3 năm liền, lúa gạo Bạc Liêu được Tập đoàn Lộc Trời tạo dựng thương hiệu xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và thị trường châu Âu đầy khó tính. Bạc Liêu cũng có tổng đàn cá sấu đứng đầu đồng bằng và có những thế hệ nông dân bản lĩnh, cần cù và sáng tạo.  

Tuy nhiên, nếu ở góc nhìn tổng thể cả về quy mô và cơ cấu, nông nghiệp Bạc Liêu vẫn là một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún và lạc hậu, cơ giới hóa còn thấp... Hay nói ví von, nông nghiệp Bạc Liêu đang tham gia một cuộc chiến chưa ngang sức, ngang tài.

Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) là một trong số không nhiều đơn vị điển hình trong ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đang có được tâm thế cạnh tranh đó. Suốt 11 năm liền, đơn vị này luôn áp dụng công nghệ nuôi tôm sạch bằng chế phẩm vi sinh, không sử dụng kháng sinh, hóa chất. Mô hình được Bộ NN&PTNT đánh giá đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và bền vững cho môi trường, được Thủ tướng Chính phủ tặng giải Vàng chất lượng quốc gia. Thạc sĩ Lê Anh Xuân - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh chia sẻ: “Thị trường TPP là bán cho người tiêu dùng có điều kiện”. Do đó, theo ông Xuân, nông sản Bạc Liêu cần được chứng minh theo một quy trình sản xuất có trách nhiệm. Chính từ thương hiệu đó mà tôm (sú và thẻ chân trắng) của Công ty Trúc Anh đã nhiều năm xuất khẩu sang Nhật, châu Âu, Mỹ…

Ông Trần Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng những mô hình, hợp tác xã hay cơ sở sản xuất nông sản cỡ lớn, ứng dụng công nghệ cao của Bạc Liêu hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, trước ngưỡng cửa của một thị trường khổng lồ, nông nghiệp, nông dân Bạc Liêu chỉ có thể “bơi” bằng kỹ thuật cao với tốc độ gấp đôi bình thường. 

Nuôi gà quy mô trang trại ở xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: P.T.C

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.T.C

CẠNH TRANH BẰNG LỢI THẾ CỦA MÌNH

Ngay từ khi Việt Nam đàm phán TPP thành công, ông Hồ Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã xác định, trong cuộc chiến hội nhập này, chúng ta không thể để người nông dân chiến đấu đơn độc như thời gian qua nữa. Bởi lẽ nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong quá trình hội nhập, bản thân họ luôn bị thiếu thông tin, rất ít người nông dân có thể hiểu rõ về hội nhập kinh tế quốc tế. Trên tinh thần đó, năm 2016, Hội Nông dân tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên nông dân toàn tỉnh về những gì nên làm và việc nào không nên làm để khỏi vi phạm hàng rào kỹ thuật, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để đủ sức giương buồm ra khơi. Hội Nông dân tỉnh sẽ mời chuyên gia đầu ngành về Bạc Liêu thuyết trình chuyên đề về TPP dưới dạng một cuộc hội thảo. Ở đó, nông dân sẽ hiểu con tôm, cây lúa cần được sản xuất thế nào, chăn nuôi gia súc gia cầm ra sao, rau củ quả nên trồng theo tiêu chuẩn gì, vấn đề khoa học - kỹ thuật và liên kết sản xuất… Ông Thủy cho biết thêm, Hội Nông dân tỉnh sẽ tổ chức nhiều chuyến tham quan, học hỏi mô hình mới, cách làm hay từ các tỉnh bạn mang về làm giàu cho nông dân mình. Tới đây, nông dân sẽ cần sự hỗ trợ hiệu quả hơn từ phía Nhà nước như: thủy lợi, khuyến nông, tín dụng, xóa nghèo, phòng chống thiên tai… để nâng cao mức độ bảo vệ, phòng chống rủi ro cho sản phẩm nông nghiệp. 

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, gần 90% nông hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ, lẻ (dưới 10 con với đàn heo, dưới 100 con với gia cầm). Còn kết quả điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam cho thấy, giá thành sản xuất heo thịt ở Mỹ thấp hơn 25 - 30% so với ở Việt Nam. Nguồn thực phẩm giá rẻ chất lượng cao ấy khi tràn vào có thể làm thay đổi thói quen người tiêu dùng và Việt Nam có nguy cơ mất cả thị trường nội địa. Thách thức số một của ngành Chăn nuôi là năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động thấp, trong khi giá thành cao. So với một số nước tham gia TPP, giá thành một số sản phẩm của Việt Nam cao hơn họ tới 50%. Cho nên ngay từ bây giờ, tỉnh cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch các vùng chăn nuôi chất lượng cao, an toàn dịch bệnh; tổ chức lại sản xuất theo hướng trang trại, gia trại, giảm dần nhỏ lẻ, manh mún, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quy trình chăn nuôi. Bạc Liêu có tiềm năng và thế mạnh về gà thả vườn nên việc xây dựng thương hiệu gà nòi, gà tàu Bạc Liêu nuôi theo quy trình bán chăn thả sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn. 

Tới đây, hầu hết các loại nông sản của tỉnh đều phải sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó tôm và lúa là hai mặt hàng chiến lược xuất khẩu ra thế giới. Sản xuất phải bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc từ đồng ruộng đến bàn ăn, giá thành hạ, sản phẩm đồng nhất, chất lượng cao, đáp ứng được các đơn hàng lớn. Đi sâu vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mỗi loại cây, con phải được quy hoạch, phân vùng, xây dựng thành những cánh đồng lớn gắn bó với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Cần lấy Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở để liên kết “bốn nhà”. “Tham gia thị trường TPP, rồi đây nông dân Bạc Liêu sẽ không thể hành động đơn lẻ, không còn là tiểu nông mà phải là “đại nông” theo mô hình hợp tác xã kiểu mới và chính các hợp tác xã cũng phải có thương hiệu để có thể cạnh tranh với những tập đoàn khổng lồ đến từ các nước phát triển. Tuy nhiên, không phải cái gì chúng ta cũng hướng vào xuất khẩu mà làm sao để đáp ứng tốt cho chính thị trường nội địa với gần 100 triệu người dân Việt Nam cũng đã tốt lắm rồi…”, ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh.

Là chuyên gia lĩnh vực chăn nuôi, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu so sánh, một trang trại heo sinh sản quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ sử dụng 1 lao động, còn ở Việt Nam phải từ 15 - 20 người. Hay trong khi 1 nhân công nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan có thể quản lý trang trại quy mô 20.000 con, thì 1 công nhân Việt Nam chỉ quản lý bình quân 5.000 con gà…

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa khuyến cáo, nông nghiệp Bạc Liêu nếu muốn vượt qua “cửa ải” TPP phải hướng tới sự phát triển bền vững, bền vững từ trong tư duy người lãnh đạo đến ý thức người nông dân.

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.