Thiết chế văn hóa xã:​ Cần mô hình điểm

Thứ Tư, 28/02/2024 | 15:39

Hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đồng thời còn là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua lồng ghép các hoạt động hội họp tại cơ sở.

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng TCVH ở nhiều địa phương trên cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng hiện nay vẫn cho thấy nhiều khó khăn, bất cập…

Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: C.T

Đìu hiu như… TCVH

Trung tâm Văn hóa - thể thao (VH-TT) xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) được xây dựng trước khi trụ sở mới của xã dời về cùng địa điểm như hiện nay. Đó là một khuôn viên khá rộng, được đầu tư đủ các hạng mục cần có của một TCVH cấp xã như: sân thể thao, sân có sức chứa để tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra còn có phòng đọc sách, phòng truyền thống... Thế nhưng, nhìn vào thực trạng hiện nay, TCVH này vẫn chưa phát huy hết công năng!

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội - Lý Thị Ly Na cũng nhìn nhận: “Thời gian qua, Trung tâm VH-TT xã chủ yếu cho các ấp mượn điểm để tổ chức hội họp, tổ chức một số phong trào vui chơi, giải trí nhân các dịp tết, lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương. Tuy nhiên, cơ sở vật chất như hiện tại thì chưa đủ để hoạt động sôi nổi, thường xuyên. Hiện nay, một số hạng mục bị xuống cấp, ngành chức năng cũng đã có khảo sát và lên kế hoạch sửa chữa. Các nhà văn hóa ấp cũng được khảo sát để có kế hoạch duy tu, sửa chữa để các ấp có nơi sinh hoạt, hội họp”.

Không có cán bộ chuyên trách quản lý (đây là thực trạng chung) thì việc suy nghĩ, tìm tòi ra các hoạt động chuyên môn cho TCVH đã là cái khó! Rồi còn những cái khó thuộc về vật chất như phòng đọc sách (ở hầu hết các TCVH) đa số là những loại sách cũ, một số còn cột thành những chồng sách rất “ngăn nắp” - nghĩa là không có người xem; đầu tư cho các thiết bị âm thanh phục vụ sinh hoạt đờn ca tài tử cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng; địa bàn nào hoạt động được chính là nhờ vào phương thức xã hội hóa, những nghệ nhân, tài tử tự đóng góp và sinh hoạt bằng đam mê, chứ trông chờ vào đầu tư trang thiết bị thì phong trào coi như... ì ạch!

Chuyện những TCVH được đầu tư nửa vời rồi đìu hiu, hoạt động cầm chừng có lẽ không còn quá xa lạ. Đó là câu chuyện dài tập làm đau đầu các địa phương, ngành chức năng trong việc tìm hướng giải quyết trong nhiều năm qua. Cái khó nằm ở chỗ việc đầu tư vừa thừa, vừa thiếu. Thừa các TCVH nhưng thiếu các yếu tố cần thiết để đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút được người dân, nhất là thiếu đội ngũ quản lý đủ tâm huyết để tư duy làm sao có thể đưa TCVH địa bàn mình đi vào hoạt động và phát huy công năng như mục tiêu khi xây dựng. 

Đầu tư mô hình điểm

Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long với những giá trị văn hóa tồn tại lâu đời và là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương khi về Bạc Liêu. Không chỉ vậy, đây còn là một mô hình TCVH điểm hoạt động hiệu quả cần được nhân rộng.

Không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, chùa còn là điểm hẹn của đồng bào Khmer đến học chữ, học múa hát, học nghề. Hay những dịp lễ hội truyền thống như Đôn-ta, Oóc-om-bóc, Chôl-chnăm-thmây..., người dân tập trung nghe Trụ trì chùa, các sư thầy giảng Phật pháp và tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ… Ngoài đồng bào dân tộc Khmer chiếm số đông ở đây, còn có rất nhiều người Kinh, Hoa trong vùng cũng đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí...

Nên chăng, tập trung đầu tư cho vài mô hình điểm tương tự để sau đó nhân rộng những mô hình này, khắc phục việc đầu tư dàn trải, chấm dứt tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa?!

Những khó khăn hiện hữu chung của hệ thống TCVH cả nước như: nhà văn hóa xây xong, ít hoạt động nên bị xuống cấp; thiếu kinh phí để bảo dưỡng; kinh phí xã hội hóa cho hoạt động văn hóa không thu hút được sự tham gia của người dân, trong khi kinh phí đầu tư cho văn hóa còn thấp, cán bộ làm công tác ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều công việc, chế độ đãi ngộ thấp nên không thiết tha với tổ chức phong trào... Đó là rào cản để TCVH trở thành là nơi thu hút người dân, làm mới đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 10/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Một trong những nội dung được Phó Thủ tướng nêu là: “Chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống TCVH ở cơ sở căn cứ vào các quy định, định mức, chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất, đầu tư công, việc bố trí nhân lực, kinh phí, tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng...”.

Khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống TCVH đã có chủ trương từ Trung ương, tuy nhiên thực thi như thế nào lại là thực tế ở từng địa phương. Quan trọng nhất vẫn là tư duy, nhận thức đúng tầm về vai trò của văn hóa trong đời sống của Nhân dân.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.