Phát triển, chấn hưng văn hóa: Đầu tư từ đâu?

Thứ Hai, 26/02/2024 | 15:55

Mới đây, trên báo Bạc Liêu, bài viết “Thương hiệu vàng cho du lịch (DL) Bạc Liêu” của tác giả Văn Kim Khanh tiếp tục đưa ra một góc nhìn về DL khai thác từ giá trị văn hóa Bạc Liêu.

Phát triển, chấn hưng văn hóa đang là câu chuyện được quan tâm trên phạm vi cả nước. Riêng ở Bạc Liêu, đầu tư để văn hóa làm giàu cho trụ cột DL cũng được đề cập sôi nổi nhiều năm nay.

Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu) được đầu tư khang trang ngày càng thu hút du khách thập phương.

Đầu tư cho văn hóa

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định văn hóa là trụ cột, nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, tư tưởng nhất quán này một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Để thực hiện những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại hội nghị này, năm 2022, Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo đó, Bộ VH-TT&DL đã lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia, bộ, ngành, nhà nghiên cứu để xây dựng dự thảo chương trình. Nguồn lực cần huy động để thực hiện giai đoạn 2025 - 2035 dự kiến 350.000 tỷ đồng.

Nhìn vào con số ấy, không ít ý kiến đặt ra là đầu tư gì cho văn hóa?! Bởi, thực trạng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa hiện nay còn không ít bất cập, chưa xứng tầm, vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, chưa đúng địa chỉ, dàn trải, hiệu quả chưa như mong muốn.

Một thực trạng khác nữa là, khi chưa được nhìn nhận đúng vai trò, nhiệm vụ, không được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất của ngành Văn hóa ở nhiều địa phương đang xuống cấp nghiêm trọng. Bảo tàng, thư viện hoạt động cầm chừng hoặc thưa vắng khách tham quan, độc giả vì thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực, hiện vật không phong phú… Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà vẫn... còn mãi là các thiết chế văn hóa được đầu tư “nửa vời”, chưa phát huy tác dụng, đời sống văn hóa tinh thần của người dân chưa được quan tâm đúng mức.

350.000 tỷ đồng đề xuất chi cho chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa cho cả nước (trong đó có phân rõ vốn từ Trung ương, vốn đối ứng của địa phương...) cũng chưa gọi là quá “khủng” nếu thật sự tiền đầu tư đúng chỗ, đúng hoạt động cần thiết để phát triển, chấn hưng văn hóa vốn là lĩnh vực vô cùng, vô tận ở mọi ngóc ngách của đời sống.

Đầu tư gì cho văn hóa? Có thể thấy, sẽ có ngồn ngộn các phần việc bày ra cho từng địa phương tùy theo đặc điểm, “vốn liếng” văn hóa từng nơi như: công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với điều kiện thực tế cho phát triển văn hóa, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm DL văn hóa, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…

Lễ hội Nghinh Ông tại Lăng Ông Nam Hải (huyện Đông Hải). Ảnh: H.T

Nhìn từ du lịch văn hóa Bạc Liêu

Trong điều kiện thiên nhiên chưa dành nhiều ưu đãi như một số tỉnh, thành phố thì yếu tố văn hóa, những giá trị văn hóa đặc sắc đã được Bạc Liêu chắt chiu lấy làm thế mạnh để phát triển DL. Khai thác, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử để định hướng thành những sản phẩm DL đặc sắc, tạo nét riêng cho DL Bạc Liêu tăng sức hấp dẫn du khách là câu chuyện mà Bạc Liêu đã, đang và còn tiếp tục nỗ lực.

Đó là DL văn hóa gắn với khai thác giá trị bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận; DL gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu - một thương hiệu vàng luôn hấp dẫn du khách, nhưng với điều kiện Bạc Liêu phải có cách làm mới hơn gắn với dịch vụ DL phù hợp. Ngoài ra, còn là mảng DL văn hóa tâm linh với nhiều cơ sở tôn giáo có sức ảnh hưởng và tạo thành thương hiệu trong khu vực và cả nước như: Quán âm Phật đài, nhà thờ Tắc Sậy, chùa Hưng Thiện, chùa Xiêm Cán, Thiền viện Trúc Lâm... Quảng trường Hùng Vương liền kề các công trình văn hóa - nghệ thuật như Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là Ba nón lá) cũng là điểm mạnh để làm DL...

Hiện tại, trong số các dự án thu hút đầu tư để Bạc Liêu phát triển, có 4 dự án với quy mô và vốn đầu tư lớn ở mảng DL văn hóa, gồm: Khu DL văn hóa và resort nghỉ dưỡng (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng; điểm DL sinh thái cửa biển Gành Hào và điểm DL tâm linh Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) với mức đầu tư 250 tỷ đồng; tuyến DL sinh thái ven biển Bạc Liêu từ phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng; điểm DL, dịch vụ khu Tắc Sậy (xã Tân Phong, TX. Giá Rai) với mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Như vậy, những giá trị văn hóa đã được Bạc Liêu nhìn đúng tầm giá trị để quy hoạch phát triển DL - một trong 5 trụ cột phát triển của tỉnh. Vấn đề còn lại là cách làm như thế nào, thu hút đầu tư có hiệu quả hay không để DL làm giàu từ văn hóa.

Là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, cho nên đầu tư để phát triển, chấn hưng văn hóa là cả một hành trình dài đòi hỏi nhiều yếu tố, chứ không chỉ có vốn là xong! Nhìn từ một lát cắt: đầu tư cho DL văn hóa Bạc Liêu cũng đủ thấy ngổn ngang những nhiệm vụ cần được thực thi bằng tâm huyết, trí lực của những người có chuyên môn và trách nhiệm.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.