Nguồn cảm hứng để học sử

Thứ Hai, 22/04/2024 | 15:12

Niềm cảm hứng đó dĩ nhiên không đến từ những bài giảng toàn chữ và chữ trên trang sách giáo khoa. Bởi nếu chữ nghĩa đủ để tạo cảm hứng thì đã không có mối băn khoăn: vì sao nhiều học sinh, sinh viên (HS-SV) bây giờ ngán học môn Lịch sử!

“Dân ta phải biết sử ta”

Theo thiển ý cá nhân, tôi nghĩ không phải bàn về việc nên học sử hay không. Bởi học sử là vô cùng cần thiết! “Ôn cố tri tân”, học lịch sử, biết về quá khứ mới rõ được hiện tại và tương lai mình đang ở đâu, làm gì và nhờ điều gì mình mới có được hôm nay. “Uống nước” phải “nhớ nguồn”, “ăn quả” phải biết “nhớ người trồng cây”. Nguồn cội là điều mỗi người cần phải ghi nhớ.

Sự thiếu hiểu biết về lịch sử đã tạo nên những tình huống hài hước “khó đỡ” trên các gameshow truyền hình hay ở những bài làm về lịch sử của HS-SV. Từng có sự “hiểu nhầm” Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau?! Đó là lỗ hổng kiến thức của một bộ phận rất nhỏ, nhưng cũng là sự cảnh báo về việc cần thiết phải giảng dạy những kiến thức căn, cơ bản nhất về lịch sử để mỗi người dân Việt Nam phải hiểu về lịch sử, như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Vấn đề là học như thế nào để có hiệu quả, học để biết, để hiểu chứ không phải để trả bài lấy điểm, xong rồi mù tịt về kiến thức lịch sử! Thuộc làu từng chữ những bài học lịch sử, thế nhưng khi được hỏi những kiến thức xung quanh thì một số em ngơ ngác, bảo rằng bài học chỉ dạy có vậy. Như vậy, có gọi là hiểu biết lịch sử hay chưa?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử đặt ra mục tiêu: hướng tới việc hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, khám phá lịch sử theo những nguyên tắc của khoa học lịch sử, qua đó giúp học sinh phát triển tư duy lịch sử và tư duy phản biện, giúp các em nhận thức được những quy luật, bài học lịch sử và vận dụng vào thực tiễn. Lịch sử sẽ là một trong 4 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đây là tin vui của những học trò thích môn học tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, nhưng cũng là nỗi lo của những em vốn đã xem môn học này là nỗi ám ảnh do nhiều nguyên nhân.

Sinh viên Trường đại học Bạc Liêu tham quan Nhà trưng bày tác phẩm và hiện vật của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh. Ảnh: Chí Hải

Học sử cần cảm hứng

Chị Q.T (Phường 7, TP. Bạc Liêu) nêu ý kiến: “Tôi cho rằng, cách dạy môn Lịch sử hiện nay chưa thu hút học sinh. Tôi nghe con mình học bài kiểu thuộc lòng từng chữ chẳng có gì là hấp dẫn. Những bài học nhồi nhét hết sự kiện nọ đến sự kiện kia sao không thay bằng những câu chuyện thú vị về lịch sử hoặc cho các em trải nghiệm thực tế để hiểu biết về lịch sử theo cách thiết thực hơn”.

Thực tế mà phân tích, việc thiết kế học sử tạo cảm hứng bằng trải nghiệm cũng không dễ dàng trước lịch học kín mít như hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn sẽ được hóa giải khi các thầy cô đủ đam mê trao truyền môn học. Phương tiện hỗ trợ giảng dạy hiện nay không thiếu. Những thước phim, hình ảnh sống động về lịch sử sẽ “thấm” vào trí nhớ, tạo nên cảm xúc trực quan cho HS-SV bên cạnh kiến thức từ sách vở. Hay những buổi đi tham quan thực tế những khu, điểm di tích lịch sử, bảo tàng tại địa phương liên quan đến phong trào đấu tranh cách mạng, hoặc giới thiệu qua phim ảnh những điểm di tích lịch sử gắn liền với những triều đại vua chúa, những trận đánh lẫy lừng trong lịch sử; cùng với phong cách giảng dạy, khơi gợi những câu chuyện lịch sử bằng sự truyền cảm hứng... may ra mới “thổi luồng gió mới” mát lành hơn cho những tiết học lịch sử.

Mới đây, Khoa Sư phạm - Trường đại học Bạc Liêu vừa tổ chức một chuyến đi thực tế tham quan Nhà trưng bày tác phẩm và hiện vật của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh (người đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật) cho sinh viên học ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam. Đứng trước những bức ảnh thời chiến với bom đạn, chết chóc, những vũ khí chiến đấu thô sơ của quân dân ta thời ấy..., các bạn sinh viên đã không khỏi xúc động! “Những bức ảnh đã cho chúng tôi hiểu biết sâu sắc hơn về chiến tranh. Buổi thực tế này đã mở mang tầm nhìn cho chúng tôi, những người chỉ có thể hiểu biết chiến tranh bằng cách nhìn lại lịch sử”, bạn Thảo Nguyên - sinh viên lớp 15DNV, cho biết.

Tạo cảm hứng học sử cho HS-SV, đòi hỏi thái độ tận tâm của người đứng lớp đối với môn học khi đã hiểu rõ vai trò đặc biệt của môn này. Và điều dĩ nhiên là, dù cho nỗ lực cách mấy thì cũng như tất cả những môn học còn lại, Lịch sử cũng thu hút niềm đam mê của một bộ phận HS-SV chứ không thể gây hứng thú với tất cả. Bởi mỗi bạn có một thế mạnh riêng ở từng bộ môn. Điều cần nói ở đây là làm sao để việc học sử cung cấp cho thế hệ trẻ kiến thức căn bản nhất về lịch sử, chứ không phải kiểu nói “Dân ta phải biết sử ta/ Điều gì không biết... thì tra Google” để đối phó tình huống, hay thái độ “ngậm hột thị” khi được hỏi về kiến thức sơ đẳng nhất về cội nguồn dân tộc mình!

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.