Khi sách “biến tấu”...

Thứ Hai, 24/04/2023 | 17:01

Đúng chủ đề mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4) đã gợi lên những trang sử hào hùng và quảng bá nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung, văn hóa bản địa nói riêng. Khúc “biến tấu” của sách qua hội thi xếp sách nghệ thuật còn gợi mở giải pháp thu hút việc đọc sách trong cộng đồng.

Mô hình “Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu” được xếp từ sách của Thư viện tỉnh. Ảnh: C.T 

Sách hóa thành biểu trưng văn hóa

Nếu chỉ nằm gói gọn trên những kệ sách, tủ trưng bày, dù sách hay vẫn thiếu sức hút độc giả. Bởi, sách đang chịu sự cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí đầy tiện ích. Nhưng, nếu ta mở một không gian sách có những biến tấu, cách tân độc đáo để thu hút người ta đến với không gian đó trước, rồi cầm lên những quyển sách và đọc, thì văn hóa đọc sẽ khác! Hiệu ứng của Hội thi Xếp sách nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu năm 2023 vừa qua - một hoạt động trong khuôn khổ Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - năm 2023 và kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam tại Bạc Liêu do Thư viện tỉnh chủ công tổ chức, đủ chứng minh điều đó.

Cùng chung tay bảo tồn và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (Thư viện Giá Rai), Tự hào biển đảo quê hương (Thư viện Vĩnh Lợi), Ngọn đèn quê biển (Thư viện Đông Hải), Sắc màu điện gió quê hương (Thư viện Hòa Bình), Biển đảo Việt Nam (Trường THCS Lê Thị Cẩm Lệ), Chiếc xe tăng lịch sử (Trường tiểu học Lê Hồng Phong)... là chủ đề của các mô hình xếp từ sách. Độc đáo hơn cả, với vai trò Ban tổ chức, Thư viện tỉnh đã ra mắt mô hình Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Từng quyển sách đã biến tấu, hợp thành một biểu trưng văn hóa của Bạc Liêu! Và có đến 2 trường học (Trường THCS Vĩnh Hậu - huyện Hòa Bình và Trường THCS Trần Huỳnh - TP. Bạc Liêu) “biến” sách thành mô hình Nhà hát Cao Văn Lầu với 3 chiếc nón lá rất công phu. Thông tin Nhà hát Cao Văn Lầu được bình chọn là “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo” của Việt Nam đã được các đơn vị cập nhật để góp thêm niềm tự hào khi thuyết minh những thông điệp về giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch của địa phương. Tương tự, chủ đề 30/4 lịch sử được tái hiện sinh động qua các mô hình xe tăng lịch sử, dinh Thống Nhất, Lăng Bác...

Từ khúc biến tấu của sách, truyền thống cách mạng hào hùng, những nét đẹp văn hóa, tiềm năng phát triển nhiều mặt của Bạc Liêu đã được lan tỏa. Và dĩ nhiên, sau khi thưởng lãm mô hình, sách đã nằm trên tay độc giả nhiều hơn.

Các em học sinh thích thú với mô hình “Nón lá tri thức” (mô hình Nhà hát Cao Văn Lầu) do Trường THCS Trần Huỳnh trưng bày. Ảnh: H.T

Tìm không gian cho sách

Làm gì để sách có độc giả và độc giả có nơi thích hợp để đọc sách, đây là vấn đề cần quan tâm để vực dậy văn hóa đọc. Chúng ta hay băn khoăn về việc giới trẻ ít đọc sách nhưng lại chưa tạo ra không gian và thậm chí là thời gian để giới trẻ tìm đến sách!

Chị Nguyễn Thị Luyến - cán bộ Thư viện Giá Rai, đã truyền cảm hứng cho việc đọc sách khi thuyết minh mô hình xếp sách với chủ đề “Cùng chung tay bảo tồn và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”. Không cầm giấy, chị thuyết minh bằng sự hiểu biết, lòng đam mê của người thủ thư. Và theo chị Luyến, việc tạo ra những mô hình nghệ thuật từ sách cũng là cách để thu hút độc giả đến với sách nhiều hơn.

“Đường sách TP. Hồ Chí Minh” nằm trên đường Nguyễn Văn Bình (phường Bến Nghé, Quận 1), một con đường dành cho sách và văn hóa đọc (qua rất nhiều năm được “thai nghén” và nhiều bước thăm dò ý kiến, được lãnh đạo quan tâm và người dân ủng hộ) đã chính thức ra mắt từ năm 2016. Chúng ta không dám tham vọng về một con đường sách hoành tráng như vậy trong điều kiện phạm vi tỉnh nhỏ, còn chật vật nhưng “liệu cơm gắp mắm” vẫn có thể tùy vào sức của mình mà mở không gian sách thích hợp. Không gian sách trên Quảng trường Hùng Vương chẳng hạn, với những mô hình bắt mắt, sự tâm huyết đầu tư của những người có trách nhiệm với văn hóa đọc (nghĩa là vận động cả xã hội hóa).

Đường sách TP. Hồ Chí Minh đâu chỉ là nơi dành cho người yêu sách mà còn là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi đặt chân đến thành phố sầm uất ấy. Một không gian văn hóa đọc cũng cho thấy chiều sâu văn hóa và tầm cao tri thức của người bản địa, và chắc chắn cũng sẽ thu hút du khách tham quan nếu không gian đó “bày” trên một quảng trường rộng và đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.