Quốc phòng - An ninh
Quản lý bán hàng online để tránh hàng giả
Anh Đ.C (Phường 1, TP. Bạc Liêu) chia sẻ, vợ anh bị “nghiện” mua hàng online. Mà trong 10 món cô ấy mua trên các nền tảng mạng xã hội, có khi chỉ một vài món tốt, còn lại toàn hàng vớ vẩn, không ít trong đó còn là hàng nhái, hàng dỏm, xài không được, toàn đem bỏ xó.
Mua hàng trực tuyến trở thành xu thế của nhiều người hiện nay. Ảnh: K.K
Không chỉ anh Đ.C bức xúc trước tình trạng hàng dỏm, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng được bán nhan nhản trên các chợ online, mà hầu hết người tiêu dùng hiện nay đều băn khoăn trước thực trạng buông lỏng quản lý đối với lĩnh vực này. Chỉ cần bỏ ra ít phút lướt Facebook, TikTok, Zalo, chị K.M gần như choáng váng trước hàng loạt trang mua bán hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống đến quần áo may sẵn, thuốc, thực phẩm chức năng đến tất tần tật các đồ dùng gia dụng… Riết rồi các trang mạng xã hội toàn thấy bán hàng, mà không phải trang nào, người bán nào cũng uy tín. Nó thật sự như một nồi lẩu thập cẩm, mà người tiêu dùng gần như bị đẩy vào một ma trận.
Hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là người dùng có thể mua hàng khắp nơi trên thế giới. Và nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các cơ quan chức năng cũng phải nhìn nhận một thực tế, việc kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc trên môi trường online hiện đang là thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp mà cả các khách hàng.
Việc đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do loại tội phạm này có tính ẩn danh cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện hành vi vi phạm; có thể tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ; có thể ở vị trí này để thực hiện hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở vị trí khác…
Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh sát kinh tế, lực lượng quản lý thị trường, cơ quan thuế… trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng.
Hiện nay, để quản lý người bán hàng trên thương mại điện tử, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng định danh người bán qua thương mại điện tử khá thành công. Tại Việt Nam, tháng 1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 09, trong đó yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VNeID. Điều này đồng nghĩa với việc, sắp tới, chúng ta sẽ tiến hành định danh người bán trên thương mại điện tử qua VNeID.
Đây sẽ là giải pháp hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp truy xuất nguồn gốc người bán, giảm nguy cơ lừa đảo, bán hàng giả. Người mua hàng từ đó có thêm căn cứ để tin tưởng vào người bán, giảm thiểu rủi ro gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc các hành vi lừa đảo. Giải pháp này cũng hỗ trợ cơ quan quản lý có thể kết nối, chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp kiểm soát hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, xử lý vi phạm nhanh chóng, minh bạch; định danh người bán là phương pháp hiệu quả tăng cường quản lý thuế, giúp xác định chính xác doanh thu thương mại điện tử, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Kim Kim