Văn hóa - Nghệ thuật
Những bộ phim kinh điển trong tuổi thơ
Trong những ngày cả nước rộn ràng chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), khán giả lại được thưởng thức những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như “Cánh đồng hoang”, “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”… Những bộ phim đã trở thành “huyền thoại” ấy cũng gắn liền với một phần tuổi thơ tôi!
Tôi không biết nhà mình có tivi từ lúc nào, nhưng khi có nhận thức là tôi đã được xem tivi. Lúc ấy, cả xóm chắc không có mấy nhà có tivi, vì tôi thấy tối thứ Bảy, khi tivi phát cải lương, hàng xóm đã đến nhà tôi xem chật cả phòng khách. Cũng phải nói, chương trình truyền hình những năm thuộc thập kỷ 80 của thế kỷ XX chẳng phong phú như bây giờ dù khi nhà tôi có tivi đã là những năm cuối thập niên 80 và chương trình truyền hình cũng đã đa dạng hơn trước nhưng muốn xem phim, cải lương thì cũng phải đợi đến cuối tuần, ngày Tết hay mùa hè (phim chiếu phục vụ thiếu nhi). Đã vậy, điện thì cúp liên miên, tuần 7 ngày có khi chỉ 2 - 3 ngày có điện, nên khi tivi phát bất cứ chương trình gì mà có điện để xem thì đối với lũ trẻ con chúng tôi cũng đều hấp dẫn. Từ chương trình thiếu nhi “Những bông hoa nhỏ” đến những bộ phim Việt Nam, phim Liên Xô hay sân khấu cải lương cuối tuần đều được chúng tôi thưởng thức một cách trọn vẹn bằng tất cả say mê. Phim thiếu nhi thì có “Maika - cô bé từ trên trời rơi xuống” của Liên Xô, sau đó có “Tây du ký” của Trung Quốc; phim Việt Nam thì có “Cánh đồng hoang”, “Mùa nước nổi”, “Ván bài lật ngửa” hay “Biệt động Sài Gòn”. Về sau còn có phim “Những dòng sông đều chảy”, “Trở lại Eden” của Úc hay “Nô tì Isaura” của Brazil… khiến những cô gái mới lớn hay các bà nội trợ mê mẩn.
Cũng vì chương trình giải trí truyền hình quá hiếm hoi nên các bộ phim được chiếu đi chiếu lại thường xuyên, nhất là vào các dịp lễ, tết. Vậy mà lần nào phim được chiếu, tôi và mấy anh em trong nhà cùng lũ bạn trong xóm đều mê mẩn ngồi xem. Xem đến thuộc cảnh, thuộc thoại, rồi bắt chước bắn súng đùng đùng y như nhân vật trong phim trong lúc chơi đùa. Câu nói mở đầu phim “Biệt động Sài Gòn”: “Người Mỹ đến Việt Nam, lần đầu tiên cho đến lần cuối cùng đều được đón tiếp nồng hậu” hay tên 8 tập phim, tên các nhân vật của phim “Ván bài lật ngửa” được chúng tôi thuộc làu làu, thậm chí đặt biệt danh cho bạn bè…
“Cánh đồng hoang” - một trong những bộ phim kinh điển gắn liền với một phần ký ức của thế hệ cha anh. Ảnh: Internet
Mãi về sau, khi điện ảnh phát triển, các bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình được sản xuất ồ ạt, rồi phim võ thuật Hồng Kông đổ bộ rầm rộ, tôi vẫn còn mê mẩn những bộ phim kinh điển Việt Nam đã có mặt trong suốt ngày tháng tuổi thơ. Không chỉ vì đó là những ký ức đầu tiên được khắc ghi trong tâm trí mà còn vì nội dung, chất lượng các bộ phim quá tốt. Những chuyên gia trong lĩnh vực phê bình điện ảnh cho rằng các bộ phim kinh điển có kịch bản chặt chẽ, thể hiện đúng không khí đời sống hiện thực; đạo diễn và diễn viên thì làm việc rất nghiêm túc, nhập tâm, diễn mà như không diễn; phim bao cấp nên không tính toán lợi nhuận, chỉ quan tâm chất lượng phim… Tôi không phải là dân trong nghề, nhưng xem cảnh phim ni cô Huyền Trang (Biệt động Sài Gòn) bị bắt cả chục lần thì vẫn hồi hộp bởi tiếng nhạc đệm, bởi ánh mắt như biết nói của nhân vật. Xem “Ván bài lật ngửa”, tôi cứ đinh ninh các ông: Tổng thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu trong đời thực mang gương mặt giống như nhân vật trong phim!
Phim điện ảnh, truyền hình hiện nay không ngừng sáng tạo, đặc biệt là với sự hỗ trợ của công nghệ số đã đưa vào những kỹ xảo không thể tưởng, phá vỡ giới hạn về trí tưởng tượng của người xem. Nhưng lại hiếm có bộ phim khiến khán giả muốn xem đi, xem lại nhiều lần đến thuộc cả lời thoại! Có lẽ trong thế giới thừa mứa các hình thức giải trí như hiện nay, yêu cầu của khán giả ngày càng khắt khe. Mà cũng có lẽ, không có nhiều bộ phim được sản xuất bằng tất cả sự đam mê và tâm huyết như xưa…
Tâm Ngọc