Trong nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Động lực tăng trưởng mới phải đến từ sáng tạo và các phát kiến

Thứ Ba, 12/12/2017 | 15:13

Ngày 12-12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam tổ chức Diễn đàn DN Việt Nam thường niên 2017 với chủ đề “VBF-20 năm đồng hành cùng cộng đồng DN và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020”. Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh đối với DN

Tại diễn đàn, những khuyến nghị chính sách cụ thể, trực diện sẽ được chuyển tới người đứng đầu Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ. Theo phản ánh của DN, chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao và đang tăng nhanh. Mức lương tối thiểu tăng nhanh trong nhiều năm qua, cao hơn tốc độ tăng năng suất, kéo theo đó là gánh nặng đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và các khoản phí bắt buộc khác… Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhưng chi phí logistic của Việt Nam cao và kém cạnh tranh với nhiều nước. Do vậy, các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá từ Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Nêu rõ khó khăn DN đang gặp phải, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn khó khăn, phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chưa chuyển động nhanh như mong muốn. Nhiều bộ, ngành còn chần chừ, chưa mạnh dạn cắt bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí trong kiểm tra chuyên ngành…

Liên quan đến quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài sẽ được triển khai từ tháng 1-2018, Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, khi việc thi hành được quyết định thì người nước ngoài sẽ được hưởng ưu đãi gì khi trở về nước... “Những điều này cần phải được quy định rõ ràng thì người nước ngoài mới có thể yên tâm đóng phí bảo hiểm”, ông Ryu Hang Ha nói.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh, việc mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra môi trường và công cụ đắc lực giúp Việt Nam có cơ hội tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, “trong bối cảnh này, các DN cũng cần chủ động, tích cực hơn trong đổi mới quản lý, quản trị DN; tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới; xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh; chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Mỗi đồng vốn đầu tư là “lá phiếu” ủng hộ Chính phủ Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong suốt 20 năm qua, VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành và cộng đồng DN trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN. Cộng đồng DN Việt Nam đã ngành càng trưởng thành lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng và mạnh lên về tiềm lực và là động lực hàng đầu đưa GDP của nền kinh tế trong 20 năm qua tăng trưởng cao, liên tục, tăng gấp 8 lần kể từ năm 1997 (năm 1997 GDP đạt 27 tỷ USD, năm 2017 ước đạt gần 220 tỷ USD).

Thủ tướng nhấn mạnh, đến thời điểm này có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế  hoạch đề ra. Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đáng chú ý, số DN thành lập mới năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 120 nghìn với số vốn đăng ký mới và bổ sung thêm hơn 3 triệu tỷ đồng; đồng thời có hơn 25 nghìn DN hoạt động trở lại. Số vốn FDI đăng ký đạt kỷ lục hơn 35 tỷ USD, tăng 30% số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.  “Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho DN, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng DN chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung hoàn thiện thể chế, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, DN. Theo báo cáo 2018 của WB, Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 30 bậc so với năm 2012. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiếp tục cải thiện, nâng hạng môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của mình, hướng tới nhóm đầu ASEAN và các chuẩn mực cao của OECD.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã chỉ ra những xu hướng mới sẽ tác động đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới trong tương lai của cộng đồng DN Việt Nam. Đó là sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Tiếp đó là xu hướng thay đổi công nghệ trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo. Việt Nam là quốc gia có trên 52 triệu người dùng internet, chiếm trên 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối internet. Việt Nam cũng là nước kết nối di động cao với khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực với 8/10 người sử dụng điện thoại di động. Đây là nền tảng quan trọng, vừa là cơ hội lớn giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng tiềm năng lớn của Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, động lực tăng trưởng mới phải đến từ sáng tạo và các phát kiến và việc số hóa công tác quản lý và cung cấp dịch vụ…

Thủ tướng cùng các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: KHẮC KIÊN. 

Quyết tâm giảm gánh nặng tài chính cho DN

Lắng nghe phát biểu của đại diện các hiệp hội DN trong nước và quốc tế tại diễn đàn, để cộng đồng DN phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết nhiều nhóm vấn đề. Đó là, Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của DN, nhà đầu tư và nền kinh tế. Nhất là tính minh bạch. Bên cạnh đó, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực DN Nhà nước, hệ thống tài chính, ngân hàng; xử lý nợ xấu; kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công; cải cách hệ thống thuế theo hướng hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng tài chính cho DN, nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ đang tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng; đảm bảo sự thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá.

Chia sẻ tại diễn đàn, Thủ tướng  khẳng định, Chính phủ trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và DN kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam, song Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không hoan nghênh các hoạt động làm ăn không chân chính. Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các DN có hành vi gây ô nhiễm, phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội; sử dụng lao động bất hợp pháp trẻ vị thành niên; phân biệt đối xử, ít quan tâm đến quyền lợi người lao động.

Theo QĐND

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.