Trong nước

Kiên quyết xử lý nợ đọng thuế, không để thất thu

Thứ Năm, 16/11/2017 | 16:09

Sáng 16-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) về giải pháp trước thực trạng xuất hóa đơn của các hộ kinh doanh vẫn phổ biến, thói quen không lấy hóa đơn khi mua hàng của hộ kinh doanh đang khiến ngành thuế thất thu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định, doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Doanh nghiệp cũng tự in hóa đơn hoặc mua của cơ quan thuế. Bộ trưởng cho rằng hiện có hai thói quen là người mua hàng ít lấy hóa đơn và trả bằng tiền mặt. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận đây là khâu khó và thời gian tới cần tập trung tuyên truyền để xử lý vấn đề này.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định về hóa đơn điện tử cùng việc kê khai, tự tính, tự nộp. Việc này đã được triển khai thí điểm ở một số địa phương và doanh nghiệp và cho kết quả tốt. Nghị định sẽ trình Chính phủ trong năm nay. Sau khi được ban hành, Bộ trưởng cho rằng có thể quản lý tốt hơn.

Ngoài ra, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân mua hàng phải lấy hóa đơn. Thứ ba, phải coi điều kiện khi thành lập doanh nghiệp là phải có mã số thuế, có hóa đơn được kết nối với cơ quan thuế. Bên cạnh đó, để hạn chế tiền mặt theo đề án của Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp để đẩy mạnh không tiền mặt trong trao đổi, mua bán hàng hóa.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về cơ chế một cửa quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã kết nối 11 Bộ, ngành, xử lý hơn 581.000 bộ hồ sơ, đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng, doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng dẫn khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thời gian thông quan hàng xuất khẩu đã giảm được 3 giờ, hàng hóa nhập khẩu giảm 6 giờ. “Chi phí thông quan một lô hàng giảm 19 USD. Ước tính 10 tháng đầu năm nay, tiết kiệm được 170 triệu USD cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng cho biết. Thừa nhận số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường kết nối các thủ tục hành chính.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về nợ công, Bộ trưởng Dũng thừa nhận áp lực trả nợ đang rất lớn. Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và bảo đảm an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công (trần không quá 65%; nợ nước ngoài không quá 50%). Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công. “Từ 1-7-2017, chúng ta đã "tốt nghiệp" vay ODA, thời gian tới vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới. Lúc này, cần tập trung xây dựng vốn vay cho các dự án quan trọng”, Bộ trưởng cho hay.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, sẽ xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi. Năm nay bội chi 3,5%; năm 2018 là 3,8%; năm 2019 giảm xuống 3,6% và năm 2020 giảm xuống 3%. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ; kiên quyết thực hiện nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, đặc biệt các chỉ tiêu về bội chi liên quan nợ công; chú ý cân đối trả nợ. Song song với đó, cần tăng cường minh bạch, hoàn thiện khung đấu thầu thanh tra.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, giải quyết nợ đọng thuế cũng là trọng tâm mà Bộ Tài chính triển khai quyết liệt. “Chúng tôi đã giao chỉ tiêu thu nợ theo từng doanh nghiệp tới từng lãnh đạo từ Tổng cục, Cục, phòng, ban..., đồng thời thực hiện kiên quyết nhiều biện pháp cưỡng chế thuế, nhắn tin đôn đốc nộp thuế hay thành lập liên ngành thu hồi nợ đọng", Bộ trưởng cho biết. Bộ trưởng thừa nhận tuy số nợ thuế tồn đọng lớn nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể, số thu nợ đọng thuế giảm dần qua các năm, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 giảm 81% số thuế cần thu hồi. Năm 2011 thu được 20.036 tỷ đồng, đạt 85% số tiền nợ thuế của cuối 2010; năm 2013 thu 27.000 tỷ đồng; năm 2014 thu 31.900 tỷ đồng; năm 2015 là 37.582 tỷ đồng; năm 2016 là hơn 42.000 tỷ đồng. Và 10 tháng 2017, thu được 39.894 tỷ đồng, đạt 81%.

Tỷ trọng nộp thuế trên tổng thu ngân sách cũng giảm dần: 4,4% (năm 2011); 7,7% (năm 2015); 6,7% (năm 2016) và tính đến 31-10-2017 là 6,1% tổng thu ngân sách... Tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu hồi đến ngày 31-10-2017 còn 4,9% so với mức 5,6% năm 2016 và 7,7% năm 2015.

Tổng số tiền nợ thuế hiện còn 73.930 tỷ đồng, tiền nợ thuế có khả năng thu hơn 27.640 tỷ, giảm 10,3% so với cuối 2016; tiền phạt, chậm nộp 18.361 tỷ đồng, tăng 0,7% so với năm 2016... Trong cơ cấu chỉ có 37,4% nợ có khả năng thu hồi, còn lại gần 62% là không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp phá sản.

Hiện vẫn còn 718.383 đối tượng không có khả năng thu hồi, trong đó hơn 209.000 doanh nghiệp, còn lại là hộ kinh doanh cá nhân. "Số này vẫn nằm trên sổ thuế mà ngành thuế vẫn phải đôn đốc. Tới đây sẽ rà soát, đánh giá và sẽ báo cáo Quốc hội xử lý nợ đọng thuế, không để thất thu", Bộ trưởng nêu thực trạng. Giải pháp thời gian tới mà Bộ Tài chính đưa ra là sẽ tăng cường kiểm tra, phân loại nợ, kiểm soát chặt nợ đọng thuế. Song song với đó, ngành tài chính sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro để chống nợ đọng thuế. 

Về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Tài chính một lần nữa cho rằng, nhận định nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là đúng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nhìn chung cần tiếp tục kiểm soát nợ công nhưng bước đầu các phương pháp đang triển khai đúng. Vừa qua, đã từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, bước đầu cơ cấu lại và kiểm soát tương đối có kết quả. Các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn cho phép. Thực hiện kéo dài được kỳ hạn trái phiếu. Nếu 2011 kỳ hạn phát hành là 3,9 năm thì 2016 là 5 năm trở lên. 10 tháng đầu năm nay, kỳ hạn phát hành lên đến 12,57 năm.

Lãi suất cũng theo hướng giảm dần. Nếu 2011 phát hành 12,01% một năm thì nay còn 6,04% một năm. Về danh mục nợ, cuối tháng 10, danh mục trái phiếu còn lại kỳ hạn 6,7 năm.

Thời gian qua sau cơ cấu lại, tỷ lệ trái phiếu Chính phủ và nợ trong nước còn gần 61%. Nợ nước ngoài trên 39%. Sau 2017, nợ trong nước tăng lên, lãi suất giảm xuống, kỳ hạn dài ra.

Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về cơ cấu thu ngân sách hiện nay phụ thuộc phần lớn vào ngân sách địa phương, Bộ trưởng Dũng thừa nhận thực tế này. "Ngay từ đầu năm chúng tôi đã nhìn thấy thực tế này và tập trung giải quyết. Các địa phương nhận trợ cấp Trung ương phải tự bảo đảm nếu hụt thu thì phải dùng nguồn địa phương xử lý, kể cả nguồn dự phòng... Trung ương sẽ không bù cho số này mà tập trung cho địa phương điều tiết về Trung ương. Năm nay cố gắng bảo đảm tổng thể sẽ vượt, tổng thu ngân sách sẽ vượt trên 2,3%", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Nam Định) về tình trạng buôn lậu, hàng giả vừa qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Ban chỉ đạo chống buôn lậu quốc gia (Ban chỉ đạo 389) không làm thay các Bộ, ngành, địa phương. Các Bộ vẫn phải triển khai theo trách nhiệm được giao, địa phương phải chịu trách nhiệm trên địa bàn, Ban chỉ đạo chỉ đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra. Kết quả thu được thời gian qua theo Bộ trưởng là khá tốt. Từ năm 2016 đến tháng 10-2017, đã xử lý 411.642 vụ vi phạm, thu ngân sách 39.604 tỷ đồng, trong đó năm 2016 thu ngân sách 21.713 tỷ đồng, trong đó năm 2016 đã thu nộp ngân sách hơn 21 nghìn tỷ đồng. Các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Công an, quản lý thị trường... đã có những biện pháp đồng bộ đấu tranh hiệu quả với buôn lậu. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận tình hình diễn biến buôn lậu thương mại, hàng giả trong thời gian qua diễn biến phức tạp. "Các lực lượng vào cuộc tương đối đồng bộ nhưng tình hình tại khu vực đường biên giới, đường biển... vẫn diễn biến phức tạp. Chúng ta đã có những chính sách triển khai nhưng vẫn còn chồng chéo và chưa đủ hiệu lực", Bộ trưởng cho biết.

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ; tăng công tác điều tra cơ bản; xây dựng thanh tra, kiểm tra chuyên đề; tiếp tục tuyên truyền về công tác chống buôn lậu hàng giả, người dân, người tiêu dùng... Để giải quyết vấn đề này, Ban chỉ đạo 389 đề xuất một số giải pháp, như đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định kiểm soát chất lượng nguồn gốc của mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm chức năng; thực hiện các kế hoạch chuyên đề trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ban hành tiêu chí mức hoàn thành nhiệm vụ; tiếp tục rà soát, sửa đổi một số chính sách, tăng cường tuyên truyền công tác chống buôn lậu, hàng giả... Đồng thời, đề nghị các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình điều tra; xây dựng các kế hoạch chuyên đề, tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm vào các đường dây, ổ nhóm các đối tượng buôn lậu, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Theo QĐND

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.