Trong nước

Đối ngoại Việt Nam năm 2023: Những dấu mốc lịch sử của đối ngoại song phương

Chủ Nhật, 11/02/2024 | 16:24

Năm 2023 đã chứng kiến những hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra nhộn nhịp, đạt những thành tựu to lớn, toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật, có ý nghĩa lịch sử trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động to lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo.

Có thể nói, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới và là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam, qua đó, khẳng định tầm vóc, nâng cao uy tín và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với nhiều nước lớn, đối tác chủ chốt

Điểm nhấn nổi bật cần phải kể đến của ngoại giao Việt Nam năm 2023 là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội tháng 9-2023. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên hai bậc, tới tầm mức cao nhất là “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” trong chuyến thăm này đã đánh dấu cột mốc lịch sử, mở ra chương mới trong quan hệ hai nước. Sự kiện lịch sử được xem “là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh” như lời phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại tiệc chiêu đãi Tổng thống Biden là kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai bên nhằm xây dựng lòng tin và phát triển quan hệ hai nước kể từ khi bình thường hóa, nhất là qua 10 năm phát triển quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023). Sự kiện này cho thấy lòng tin chiến lược giữa hai bên được nâng cao, đồng thời thể hiện mong muốn của cả hai nước cùng hiện thực hóa nguyện vọng về khép lại quá khứ và mở ra một tương lai tươi sáng cho hai dân tộc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhân dịp Tổng thống thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9-2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới, chuyến công tác tại Mỹ nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 78 của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vào tháng 9 và chuyến công du tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào giữa tháng 11-2023 theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, thúc đẩy việc triển khai hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập nhằm đưa quan hệ song phương Việt – Mỹ đi vào thực chất, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Thông qua các chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp cao Việt-Mỹ năm 2023, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới đã mở ra cơ hội phía Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đem lại nhiều thương vụ, cơ hội, thỏa thuận và sáng kiến hợp tác đầu tư kinh doanh giữa hai nước. Hơn nữa, một khía cạnh quan trọng trong nội hàm của quan hệ Việt-Mỹ mới được nâng cấp là hai bên sẽ thúc đẩy quan hệ sâu rộng về kinh tế-thương mại-đầu tư và khoa học công nghệ, trong đó hợp tác hai nước sẽ được tập trung vào phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và mới nổi, phù hợp với xu thế cách mạng 4.0 như: Công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, giáo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, đảm bảo các chuỗi cung ứng khu vực và thế giới…

Một thành tựu đối ngoại nổi bật khác của đối ngoại Việt Nam năm 2023 là chuyến thăm lịch sử cấp Nhà nước lần thứ ba tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc cuối tháng 10, đầu tháng 11-2023. Chuyến thăm này cùng với chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10-2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để lại những dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam và Trung Quốc coi trọng cao độ việc gìn giữ và phát triển quan hệ song phương giữa hai nước.

Cùng với những nghi thức đón tiếp cao nhất, có cả những biệt lệ dành cho người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, việc hai bên đã ra Tuyên bố chung dài nhất từ trước đến nay với 6 định hướng hợp tác lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới, bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm, gai góc nhất, cùng với đó là việc lãnh đạo hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược đã góp phần quan trọng vào củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, tạo khuôn khổ hợp tác ổn định, lâu dài, bền vững hơn và làm phong phú hơn nội hàm hợp tác giữa hai nước. Việc hai bên ký kết tới 36 văn kiện hợp tác phong phú trên nhiều lĩnh vực, ở cả cấp trung ương và địa phương nhân chuyến thăm này cũng là điều chưa từng có. Qua đó góp phần nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đặt nền tảng cho quan hệ hai nước ngày càng ổn định, sâu sắc, thực chất, hiệu quả và cùng có lợi hơn, vì lợi ích phát triển của hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam-Trung Quốc, ngày 13-12-2023. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào tháng 6-2023, và tháng 10-2023 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến công tác tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tại Bắc Kinh theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai sự kiện này đều có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện Đảng và Nhà nước ta coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời đây cũng là những dịp lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng ổn định, lành mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất hơn, với sự tin cậy chính trị cao hơn và nền tảng xã hội vững chắc hơn.

Ngoài việc nâng cấp và nâng tầm quan hệ với hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, năm 2023 cũng chứng kiến một mốc son đối ngoại quan trọng khác là việc Việt Nam và Nhật Bản ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 26 đến 30-11-2023.

Ngoài ra Việt Nam và Italy cũng ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Italy nhân chuyên thăm chính thức cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tháng 7-2023.

Hàng loạt các cuộc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo các cường quốc và các đối tác quan trọng khác trên khắp các châu lục như: Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Australia, Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ… đã củng cố vững chắc cục diện đối ngoại của đất nước, nâng cao hình ảnh, uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.  

Quan hệ với các nước láng giềng tiếp tục được củng cố, có bước phát triển về chất

Tiếp tục khẳng định và thể hiện chính sách nhất quán là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đặc biệt với Lào và Campuchia, năm 2023 đã chứng kiến lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Lào và Campuchia tăng cường trao đổi các chuyến thăm chính thức lẫn nhau và các cuộc gặp, tiếp xúc song phương và ba bên, qua đó góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ hệ hữu nghị, tình đoàn kết, hợp tác, gắn bó, tin cậy giữa Việt Nam với hai nước láng giềng không ngừng được củng cố và tiếp tục phát triển.

Ngày 6-9-2023, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa người đứng đầu 3 Đảng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm duy trì, củng cố đà phát triển vững chắc của mối quan hệ láng giềng giữa ba Đảng và nhân dân ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia trước những biến động nhanh chóng phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực. Lãnh đạo cao nhất của ba Đảng, ba nước đã nhất trí tăng cường tình đoàn kết, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau, đồng thời thống nhất những định hướng lớn cho sự hợp tác giữa ba Đảng, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ giữa ba nước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực vì lợi ích chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet chụp ảnh chung trước khi bước vào hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet, ngày 11-12-2023. Ảnh: VIỆT TRUNG

Trong năm qua cũng đã chứng kiến một loạt các chuyến trao đổi đoàn cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam với Lào và Campuchia như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức nước CHDCND Lào tháng 4-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Lào tháng 1-2023 và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm làm việc tại Lào nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ nhất tháng 12-2023. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandon (1-2024); đón Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary (12-2023).

Đáng chú ý, đây là những chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam và hai nước sau khi diễn ra sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở một số vị trí chủ chốt tại cả ba nước. Qua đó khẳng định lãnh đạo Việt Nam cùng với Lào và Campuchia đều rất coi trọng ưu tiên tiếp nối, giữ gìn và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước láng giềng. Cùng với tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, năm qua, việc thiết lập và tổ chức lần đầu tiên cơ chế Hội nghị cấp cao giữa quốc hội ba nước Campuchia -Lào - Việt Nam đã đặt nền móng và nâng tầm hợp tác giữa ba Quốc hội lên cấp cao nhất, đồng thời qua đó hoàn thiện đồng bộ các cơ chế hợp tác cấp cao giữa ba nước.

Ngoài hai nước láng giềng có mối quan hệ đặc biệt, năm 2023, các lãnh đạo Việt Nam cũng thực hiện một loạt các cuộc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao với hầu hết các nước thành viên ASEAN. Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương vững chắc hơn giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong gia đình ASEAN, khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời củng cố tình đoàn kết, hợp tác gắn bó trong ASEAN và nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ nhất. Ảnh: qdnd.vn 

Củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại

Cùng với việc coi trọng thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, các cường quốc và các đối tác chủ chốt ở khu vực và trên thế giới, hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2023 cũng cho thấy Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm giữ gìn, vun đắp và thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua nhiều các hoạt động ngoại giao, bao gồm trao đổi đoàn cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam với các nước đang phát triển, các quốc gia, đối tác bạn bè truyền thống ở khắp các khu vực, châu lục trên thế giới. Qua đó góp phần khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là trước sau như một coi trọng giữ gìn và phát triển quan hệ thủy chung truyền thống với bạn bè trên khắp thế giới dù thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng, sâu sắc.

Trong năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những tâm điểm nổi bật của ngoại giao thế giới khi đã đón 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, trong khi lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng đã tiến hành 22 chuyến công du nước ngoài cả trên bình diện đối ngoại song phương và đa phương. Năm 2023 Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao thêm với hai quốc gia là Trinidad & Tobago (tháng 2) và Cộng hòa Tonga (tháng 9), nâng tổng số quốc gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao lên con số 193. Trong đó, với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản trong năm 2023, đến nay Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 quốc gia, đối tác chiến lược với 12 quốc gia và đối tác toàn diện với 12 quốc gia khác. Qua đó, Việt Nam tiếp tục thể hiện nhất quán và triển khai năng động, hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng khẳng định tầm vóc, vị thế mới cũng như ảnh hưởng và uy tín của Việt Nam trên thế giới.

C.Q.B (theo QĐND)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.