Quốc tế

ASEAN điều hướng thế nào trong trật tự thế giới đang rạn nứt?

Thứ Sáu, 07/10/2022 | 17:00

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công thương Singapore - Tan See Leng, ASEAN phải hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới.

Bộ trưởng Bộ Lao động kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công thương Singapore - Tan See Leng. Ảnh: Internet

Các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong bối cảnh có những thay đổi cấu trúc trong trật tự toàn cầu. Hợp tác khu vực và khả năng phục hồi lâu dài phải được tăng cường để ASEAN không chỉ không bị tổn thương mà còn có được một vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội trong một trật tự thế giới đang rạn nứt hiện nay.

Đây là thông điệp được đề cập nhiều lần tại Diễn đàn ASEAN và châu Á (AAF) lần thứ 14 với chủ đề “Các cơ hội khu vực, Trật tự thế giới rạn nứt” và Đối thoại về Tài nguyên Thế giới Bền vững (SWR), do Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) tổ chức ngày 6/10 với sự tham dự của hơn 300 nhà hoạch định chính sách, học giả, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chủ chốt trong khu vực.

Trong phiên thảo luận về “Điều hướng trong một trật tự toàn cầu rạn nứt”, các diễn giả đã thảo luận về những rủi ro địa chính trị mà các quốc gia khu vực đang phải đối mặt trong một trật tự thế giới ngày càng phân cực.

Thế giới đang phải trải qua một giai đoạn chưa từng có, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo, từ những căng thẳng địa chính trị, xung đột tại Ukraine, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung, năng lượng cho tới thời tiết cực đoan hay tổng thể hơn là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp đó vẫn có những cơ hội. Bộ trưởng Tan See Leng, trong bài phát biểu dẫn đề tại diễn đàn, cho rằng ông vẫn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng và sự thịnh vượng của châu Á. Hiện tại, khu vực này chiếm hơn một nửa dân số thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là phần lớn nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sẽ sớm chuyển hướng sang châu Á, biến khu vực này thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Tan See Leng nhấn mạnh, số hóa và phát triển bền vững là những lĩnh vực tạo ra cơ hội mới để khu vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, ASEAN cần phải duy trì cam kết lâu dài về thương mại và tự do để luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng. Kế tiếp, ASEAN phải hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới. Cuối cùng, ASEAN cần tận dụng các xu hướng mới nổi như số hóa và tính bền vững để phát triển nền kinh tế.

Hiện tại, rủi ro chính trị đối với ASEAN hiện nay là đối đầu, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến khối bị chia rẽ. Một rủi ro khác xuất phát từ các động lực kinh tế của việc các nước ASEAN cạnh tranh với nhau sai cách. ASEAN phải cùng nhau tiến lên, không nên có tư tưởng nước này thắng - nước kia thua, và phải thật sự hợp tác nhiều hơn nữa với nhau.

H.L.K

(tổng hợp từ nguồn Vietnam+)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.