Từ con

Thứ Sáu, 01/05/2020 | 16:45

Đau khổ và tức giận, đó là trạng thái lúc tôi gặp chú K., một người bạn của cha tôi ghé nhà nhờ tư vấn pháp lý về chuyện muốn từ anh H., con chú. “Từ hẳn nó luôn, không còn quan hệ cha con gì nữa”, chú nói. Và chú muốn tôi giúp chú làm cách nào cho đúng quy định pháp luật.

Chuyện cha mẹ muốn từ con như trường hợp chú K. không hiếm. Có thể xuất phát từ nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chính khiến các bậc sinh thành phải xót xa chấp nhận cắt đứt quan hệ ruột rà máu mủ với đứa con mình rứt ruột đẻ ra hầu hết đều tập trung vào hai chữ: “bất hiếu”.

Thế nhưng, đó là chuyện dân gian, được điều chỉnh bằng các mối quan hệ xã hội kiểu gia đình, làng xã với nhau. Giận quá, bức xúc quá, khổ sở quá, không còn cách nào để giải quyết thì muốn từ con. Để không còn dính dáng, để không còn liên đới chịu trách nhiệm chung với nó nữa. Như trường hợp của chú K. vậy.

H. nổi tiếng là “phá gia chi tử”. Là con trai một, được cha mẹ cưng chìu từ nhỏ. Mãi đến ngày cưới vợ, vẫn chẳng có nghề nghiệp gì ổn định. Cứ long nhong ăn chơi, xòe tay xin tiền cha mẹ. Chú K. có cơ sở kinh doanh, thừa điều kiện nên cũng không quan tâm đến việc cậu quý tử cần phải biết lao động kiếm tiền chân chính. Từ việc không biết quý đồng tiền do mình dễ dàng có được, H. sa ngã dần thành một kẻ cờ bạc, tham gia cá độ bóng đá. Những kẻ thầu cá độ, cho vay nặng lãi rất dễ dàng cho H. vay tiền, vì ai cũng biết, H. có một gia đình giàu có sẵn sàng trả nợ cho đứa con trai. Những lần bị truy sát, đe dọa vì nợ tiền “xã hội đen”, H. về nhà quậy. Vợ H. chán cảnh chồng không ra gì đã bỏ đi. Chỉ có cha mẹ H. là cố gồng gánh, nhưng sức người có hạn. Tài sản ra đi, việc kinh doanh sa sút. Chú K. nhiều lần phải nhập viện vì lên huyết áp do thằng con quý tử “ban cho”.

Thương chú là một chuyện, nhưng không phải ai cũng đồng cảm với cách làm, cách nghĩ của chú. Bởi ngay cả ở cách nhìn của dân gian, thì từ con cũng là một kiểu muốn thoái thác trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Chẳng lẽ ai không dạy được con cái, để nó hư hỏng thì chối bỏ trách nhiệm với nó, xô nó ra ngoài xã hội?

Còn ở góc độ pháp lý, như chuyện chú K. nhờ tôi hướng dẫn chú làm thủ tục từ con cho đúng quy định là không thể được. Bởi pháp luật không có bất cứ quy định nào về vấn đề này.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha mẹ có quyền và nghĩa vụ phải yêu thương con, chăm lo việc học tập và giáo dục con, tôn trọng con, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ con. Vì tôn trọng quyền và nghĩa vụ này của cha mẹ đối với con nên pháp luật không cho phép và không quy định về vấn đề cha mẹ từ con của mình.

Pháp luật chỉ mới quy định về việc cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu tòa ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi nếu con nuôi có hành vi nghiêm trọng xâm phạm thân thể, nhân phẩm hoặc có hành vi khác làm cho tình cảm của cha mẹ nuôi không còn nữa.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ huyết thống thiêng liêng, ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các bên với nhau.

Tuy nhiên, nếu cứ để như trường hợp của chú K. thì gia đình với nhiều người nữa sẽ khốn khổ chung với H. Cách giải quyết đơn giản vẫn là xác định anh H. đã đủ tuổi thành niên, phải tự chịu trách nhiệm với các giao dịch dân sự của mình. Trong trường hợp người con cố tình vi phạm pháp luật, đánh cha mẹ, tham gia các tệ nạn xã hội, thì gia đình nên mạnh dạn báo cho chính quyền, công an để họ xử lý, giáo dục. Gia đình phải thể hiện thái độ kiên quyết với cách sống sai trái, chứ không nên thỏa hiệp. Từ đó mới có thể giúp con mình nhận ra sai lầm, sống có ích hơn.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.