Phổ biến, giáo dục pháp luật: Cần có góc nhìn rộng

Thứ Tư, 05/06/2019 | 16:44

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó, hoạt động PBGDPL của tỉnh cũng còn lắm bộn bề, khó khăn, bất cập, cần có cái nhìn thấu đáo, mạnh dạn.

Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho các hòa giải viên cơ sở.

Còn nặng về hình thức

Trong điều kiện pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phục vụ tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, hoạt động PBGDPL phải thật sự đáp ứng yêu cầu bức thiết trong tình hình mới. Ngay cả khi Luật PBGDPL đã được ban hành, thì điều kiện tiên quyết hơn vẫn là, làm sao để thực thi tốt luật vào cuộc sống.

Ngành Tư pháp cũng phải thừa nhận một thực tế, việc PBGDPL ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, chưa đi được vào những nội dung pháp luật mà người dân cần. Đặc biệt là hình thức PBGDPL mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú, song chưa thật sự thu hút được nhiều đối tượng. Cần phải xem PBGDPL là khâu đầu tiên, quan trọng nhất của việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Hiệu quả của công tác PBGDPL chính là việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị, cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ, của cộng đồng, doanh nghiệp, nhân dân…, những người trực tiếp tham gia các quan hệ xã hội do pháp luật điều chỉnh. Việc PBGDPL phải là một quá trình liên tục, thường xuyên, các cấp, các ngành phải trực tiếp tham gia với nhiều phương thức tuyên truyền cụ thể, sinh động. Phải xây dựng nếp sống văn hóa pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật và xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai những hành vi vi phạm pháp luật. Có như vậy, hiệu quả công tác PBGDPL mới rõ ràng, bền vững.

Băng-rôn tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

Chưa phát huy tối đa năng lực

Thực tế việc huy động nguồn lực, tạo điều kiện cho công tác PBGDPL chưa được tiến hành đồng bộ, rộng khắp, còn nhiều khoảng trống trong công tác PBGDPL. Cùng với đó là sự thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi, nhất là ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, Bạc Liêu có 1.631 báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật, trong đó cấp tỉnh có 147 người, cấp huyện có 111, cấp xã có 1.351 người. Tuy nhiên, số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thật sự hoạt động có hiệu quả, đạt chất lượng tốt chỉ đếm trên con số hàng chục, nhất là tuyến cơ sở. Rất nhiều báo cáo viên pháp luật chỉ có tên trên danh sách, chứ chưa bao giờ thực hiện hoạt động PBGDPL.

Khắc phục thực tế này không dễ nếu đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vẫn chỉ hoạt động bán chuyên trách trong khi chưa có cơ chế quản lý, sử dụng và ưu đãi nhân lực. Luật PBGDPL đã có quy định cụ thể về báo cáo viên pháp luật. Cùng với đó là những cộng tác viên bao gồm cả các luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên các cấp… Tuy nhiên, mức độ tham gia, hay việc đánh giá chất lượng hoạt động trong quá trình PBGDPL cũng như việc thu hút tham gia hoạt động này không rõ ràng, khó kiểm soát. Hầu hết là tự hoạt động, cuối năm thì thống kê báo cáo. Trong những số liệu báo cáo ấy, có bao nhiêu đạt chất lượng, bao nhiêu chỉ mang tính hình thức, kiểu đảm bảo thống kê thì rất khó để kiểm tra.

Tuyên truyền pháp luật về cải cách hành chính trong giới trẻ bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh: K.P

Cần chú trọng đầu tư cho PBGDPL

Để làm được điều này, ngoài việc cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc PBGDPL, thì yếu tố kinh phí đầu tư cho PBGDPL cũng hết sức quan trọng. Hiện nay, kinh phí dành cho hoạt động PBGDPL ở các địa phương còn hết sức khiêm tốn. Mặc dù Luật PBGDPL đã có hiệu lực từ năm 2013, nhưng trên thực tế, tùy theo từng địa phương mà nguồn kinh phí cho hoạt động này không đồng đều.

Tại báo cáo tổng kết công tác PBGDPL năm 2018, Sở Tư pháp Bạc Liêu cũng đã nhận định, việc thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL còn rất khó khăn. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí phục vụ công tác PBGDPL còn hạn chế. Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị. Một số xã, phường có bố trí kinh phí nhưng rất ít, có không ít địa phương bố trí nhưng không thực hiện. Đáng nói hơn là việc phân bổ kinh phí ít hay nhiều lại phụ thuộc vào nhận thức của chính cấp lãnh đạo địa phương.

Đầu tư cho PBGDPL chính là đầu tư cho phát triển, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Để Luật PBGDPL tạo nên một “cú hích” trong hoạt động này, một điều nữa cần được nhắc đến chính là vai trò của Hội đồng phổ biến pháp luật, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, các địa phương trong PBGDPL. Nhận thức như thế nào về vai trò, trách nhiệm cũng như tầm quan trọng của PBGDPL trong xu hướng mới.

Bên cạnh đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, cần tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác PBGDPL trong giai đoạn mới để có nội dung, phương pháp, cách làm phù hợp. Gắn kết giữa PBGDPL và tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện phổ biến và giáo dục, vận động cán bộ người dân nâng cao ý thức tìm hiểu và chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL theo hướng tinh gọn, hiệu quả, PBGDPL hướng về cơ sở phải xác định trúng nội dung pháp luật và hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn. Tránh tình trạng, tổ chức tuyên truyền pháp luật mà không thu hút được đối tượng tham gia. Chú trọng PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế trong xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL, tập trung tham mưu, chỉ đạo củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Cuối cùng, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng cần chú ý tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả, tạo cơ chế thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL để giảm thiểu gánh nặng từ phía Nhà nước, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL.

Kim Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.