Nhiều mức phạt mới đối với vi phạm trong sử dụng lao động

Thứ Sáu, 01/05/2020 | 16:47

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định này có nhiều quy định mới ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, đặc biệt là mạnh tay trong việc xử phạt các hành vi vi phạm trong sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động cần nắm rõ để thực hiện đúng.

Lao động tại Công ty chế biến xuất khẩu Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình). Ảnh minh họa: T.H

Cụ thể, Nghị định 28 quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 3 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Phạt tiền từ 3 - 7 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi như: không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác; chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, nghị định này nêu rõ, người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt hành chính số tiền từ 50 - 75 triệu đồng. Đối với các mức phạt vi phạm khi giao kết hợp đồng, người sử dụng lao động bị phạt từ 2 - 25 triệu đồng khi có một trong các hành vi: không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật.

Mức phạt cũng sẽ tăng lên từ 20 - 25 triệu đồng khi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động; buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Việc các đơn vị sử dụng lao động không trả lương đúng hạn, không trả hoặc trả lương không đủ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1 - 10 người; Từ 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 - 50 người. Trước thực trạng nhiều lao động không hề biết doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho mình hay không, tại Nghị định 28, Chính phủ cũng bổ sung quy định người sử dụng lao động hàng năm phải niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp. Trên cơ sở đó, người lao động có thể chắc chắn biết được doanh nghiệp có đóng bảo hiểm cho mình hay không và đóng với mức bao nhiêu. Bên cạnh đó, việc không tham khảo ý kiến của lao động nữ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ; sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe; trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, lãnh đạo đình công… đều bị xử phạt.

Các mức phạt tiền được nêu tại nghị định là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức cao gấp 2 lần. Nghị định 28 có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Đ.H

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.