Một số nội dung mới của Luật Lâm nghiệp

Thứ Tư, 27/06/2018 | 16:24

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Lâm nghiệp. Luật Lâm nghiệp gồm 12 chương, quy định về quy hoạch lâm nghiệp; bảo vệ, phát triển rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng, dịch vụ môi trường rừng; hoạt động tài chính trong lâm nghiệp, khoa học và công nghệ về lâm nghiệp, quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Luật Lâm nghiệp bổ sung 4 chương mới so với Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Luật Lâm nghiệp quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất. Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất; đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng và thuộc quyền của chủ rừng. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp.

Về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp quy định rất cụ thể việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, khuyến lâm và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư phát triển, kinh doanh rừng sản xuất theo chuỗi giá trị. Hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho chủ rừng; xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường, thương mại trong hoạt động lâm nghiệp; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật Lâm nghiệp cũng đề cập vấn đề xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp như: Chặt phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật...

Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng hết hiệu lực kể từ ngày Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành.

Hải Đăng

Nuôi tôm ven rừng phòng hộ Bạc Liêu. Ảnh: K.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.