Không tổ chức phiên tòa lưu động: Một đề xuất mang tính nhân văn

Thứ Sáu, 19/01/2018 | 16:38

Tại hội nghị tổng kết ngành Tòa án nhân dân (TAND) năm 2018, Chánh án TAND Tối cao - Nguyễn Hòa Bình đã kết luận sẽ tiếp tục trình Quốc hội để từ năm 2018 dừng việc xét xử lưu động. Đây là một quyết định mang tính nhân văn, một bước tiến mới của tư pháp Việt Nam vì những nguyên tắc tố tụng đề cao quyền công dân, quyền con người.

Một phiên tòa xét xử lưu động tại huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: K.P

vai trò CỦA XÉT XỬ LƯU ĐỘNG

Hoạt động xét xử lưu động đã xuất hiện từ rất lâu, được xem là hoạt động cần thiết, bình thường, được khuyến khích từ trong nội bộ ngành Tòa án đến chính quyền địa phương các cấp. Bởi đây là một hình thức tuyên truyền pháp luật, vừa mang tính trừng trị vừa răn đe nhắc nhở chung cho mọi người thấy sai mà tránh. Qua việc theo dõi phiên tòa, người dân có thể tăng cường nhận thức pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi của mình. Những người dự phiên tòa sẽ là các tuyên truyền viên pháp luật để truyền đạt kiến thức pháp luật, thông tin vụ án mà họ tiếp nhận được đến với cộng đồng dân cư.

Việc xét xử lưu động còn tạo được dư luận, tăng niềm tin của người dân đối với Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật. Ở những vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, nhận thức pháp luật của nhân dân còn nhiều hạn chế, thì xét xử lưu động mang nhiều ý nghĩa tích cực.

Ở góc độ pháp lý, Luật Phổ biến - giáo dục pháp luật (PB-GDPL) năm 2012 quy định TAND các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm PB-GDPL cho người tham dự phiên tòa và nhân dân. Và trên thực tế, hàng năm, với sự chỉ đạo của TAND Tối cao, TAND các cấp đều tổ chức những phiên tòa lưu động, chủ yếu là xét xử hình sự theo đúng tinh thần trên.

Những hạn chế

Việc xét xử lưu động các vụ án hình sự mang đến nhiều bất lợi cho bị cáo. Dễ thấy nhất là gây tâm lý xấu hổ, lo lắng, sợ hãi cho bị cáo. Hơn thế nữa, nó tổn thương đến thân nhân của bị cáo, những người như cha mẹ, vợ, chồng, con cái... phải chịu áp lực từ dư luận xã hội với nhiều hệ lụy khó lường. Sau cùng là vấn đề khó hòa nhập cộng đồng, bị kỳ thị khi phiên tòa xét xử lưu động được tổ chức tại nơi cư trú của bị cáo.

Bên cạnh mặt tích cực là hiểu biết thêm về mặt pháp luật, những người dự phiên tòa phải chứng kiến, nghe thuật lại chi tiết vụ án, trong đó, những vụ trộm cắp, cướp tài sản, hiếp dâm, giết người với những cách thức, thủ đoạn tinh vi. Đó chính là mặt trái khó lường trước hậu quả, bởi có thể cũng sẽ trở thành những bài học cho các đối tượng hình sự hoặc xâm nhập vào tâm thức của họ, để khi có điều kiện sẽ thực hiện giống như thế. Đơn cử như các trường hợp giết người hàng loạt kiểu Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương, khi xét xử lưu động, báo chí phanh phui vụ án ở đủ mọi góc cạnh, để rồi sau đó, xã hội càng phải hứng chịu thêm nhiều vụ thảm sát tương tự - điều mà trước đó rất ít xảy ra.

Đề cao tính nhân đạo

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trong khi gần như tất cả các vụ án hình sự mang đi xét xử lưu động đều là xét xử sơ thẩm, và họ được coi là chưa có tội khi bản án chưa có hiệu lực. Việc đưa các bị cáo ra xét xử lưu động ở địa phương gần như một hình thức kết án trước xã hội. Bản án tù bao nhiêu năm, hết thời hạn thì dễ dàng xóa án tích. Nhưng tiếng xấu, bản án dư luận xã hội mà bị cáo, gia đình họ phải gánh chịu thì lấy gì để xóa?

Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước ta hướng tới mục tiêu tạo dựng nền tư pháp ngày càng bình đẳng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người ngay cả khi họ bị buộc tội. Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, việc xét xử lưu động cần được dừng lại, để cùng bước sang một giai đoạn mới tiến bộ hơn.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.