Giả danh Công ty Xổ số kiến thiết miền Bắc đánh bạc gây quỹ từ thiện: Hàng trăm người bị lừa đảo

Thứ Sáu, 21/06/2019 | 17:21

Từ năm 2014 - 2018, trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bạc Liêu… xuất hiện một nhóm đối tượng tự xưng là nhân viên, lãnh đạo Công ty Xổ số kiến thiết miền Bắc (XSKTMB) gọi điện thoại cho nhiều người đề nghị hợp tác để đánh sập các thầu đề, lấy tiền gây quỹ từ thiện. Các đối tượng phạm tội yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đã chuẩn bị sẵn; sau đó Công ty XSKTMB sẽ cho biết trước kết quả xổ số để người chơi đánh số; tiền trúng số sẽ chia đôi hoặc góp vốn vào công ty làm cổ đông để chia lợi nhuận. Và rồi, số tiền chuyển vào tài khoản bị chúng chiếm đoạt.

Băng nhóm giả danh Công ty Xổ số kiến thiết miền Bắc đang nghe tuyên án. Ảnh: K.P

Từ lời tố giác ban đầu

Vụ án bắt đầu từ tố giác tội phạm của bà Phan Thị Vân A. (ngụ quận Đống Đa, TP. Hà Nội). Bà A. đến Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an trình báo bị một nhóm đối tượng giả danh nhân viên Công ty XSKTMB gọi điện, dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt trên 3,1 tỷ đồng.

Lời trình bày của bà A. đã lộ dần đường dây lừa đảo, mạo nhận người nhà của Công ty XSKTMB. Qua quen biết, bà A. đã tiếp xúc với đối tượng Đặng Chí Tâm, Tâm nói có quen biết Lê Đức Thịnh (Đặng Văn Hà giả danh) làm ở trường quay Công ty XSKTMB, biết trước kết quả xổ số và đề nghị bà tham gia bằng cách cho số đánh lô đề giúp công ty Thịnh đánh sập chủ lô đề, trả tiền vào quỹ nhà nước và làm từ thiện.

Tin lời Tâm, bà A. đồng ý tham gia. Sau đó Thịnh cho 2 con số 13 và 79 để đánh đề, bà A. trúng số nên càng tin tưởng Thịnh là “người nhà” của Công ty XSKTMB. Hôm sau, Thịnh điện thoại cho bà nói nếu muốn tham gia với vai trò là thành viên của công ty thì phải chuyển vào tài khoản công ty 1 tỷ đồng. Tin lời, bà A. chuyển tiền vào tài khoản của Thịnh nhiều lần với tổng số tiền trên 3,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến lúc rút hết tiền trong tài khoản, các đối tượng cho số đánh đề thì không trúng nữa. Bà A. nghi ngờ yêu cầu trả tiền, các đối tượng hẹn lần hẹn lựa, sau đó thì tắt máy không liên lạc.

Sau khi tiếp nhận đơn tố giác của bà A., Cục Cảnh sát hình sự phối hợp Công an Bạc Liêu điều tra, phát hiện nhiều đối tượng rút tiền mà số tài khoản bà A. chuyển tại một trụ ATM thuộc địa bàn huyện Hòa Bình.

Để rút được những số tiền lớn, các bị cáo tạo nhiều tài khoản ngân hàng bằng những tên khác nhau (mượn CMND của người quen, người nhà, thậm chí thuê nhiều người mở tài khoản để rút tiền giúp mình). Để qua mặt các cơ quan chức năng, các nghi phạm trong băng nhóm này thuê người đứng tên chủ tài khoản ATM, bất kể là ai.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, các đối tượng trong băng nhóm này gồm: Trần Văn Linh, Đặng Văn Hà, Đặng Chí Tâm, Đặng Văn Em, Trần Văn Nhựt, Lưu Giàu Em, Lê Văn Danh, Lê Văn Đương, Trần Chí Hướng, Huỳnh Tấn Đạt, Nguyễn Văn Có, Nguyễn Quốc Kiệt, Lê Văn Ngoãn và Đặng Thị Hồng Hà đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong đó, Trần Văn Linh với vai trò chủ mưu, cầm đầu đã bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với 13 đồng phạm thực hiện trót lọt 20 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng loạt bị hại tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số tiền các bị cáo chiếm đoạt trên 17,9 tỷ đồng. Riêng Trần Văn Linh cũng đã trực tiếp thực hiện 8 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng.

Sập bẫy vì lòng tham

Vào tháng 3/2015, khi đi ngang qua Hội Người mù tỉnh (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi), Đặng Chí Tâm nhìn thấy trên biển hiệu của Hội có ghi số điện thoại nên lưu lại. Đến tối cùng ngày, Tâm sử dụng sim số khuyến mãi gọi gặp ông Đỗ Văn Đ., Tâm giới thiệu tên là “Thắng” trước đây công tác tại Bưu điện tỉnh, nhưng nay đã chuyển công tác về Công ty XSKTMB phụ trách khu vực phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Trong lúc nói chuyện, Tâm cho ông Đ. biết có ông sếp tên “Thịnh” làm Phó Giám đốc Công ty XSKTMB đến tuổi sắp về hưu, muốn giúp cho một số gia đình chính sách và muốn kiếm một ít tiền để về hưu. Tâm giả vờ nói biết ông Đ. là cựu chiến binh, bị mù mắt, hoàn cảnh khó khăn nên muốn giúp đỡ.

Khi ông Đ. hỏi giúp đỡ bằng cách nào thì Tâm cho biết muốn được giúp đỡ phải làm thành viên Công ty XSKTMB, sau đó ông Thịnh sẽ cho biết trước một con số để đánh nhằm đánh sập thầu số đề ở địa phương và hưởng được số tiền lớn. Tâm nói chỉ cần đóng 250 triệu đồng sẽ được làm thành viên chính thức và mỗi ngày được cho một con số lô đề, ông Đ. đồng ý tham gia. Khi “cá” cắn câu, Đặng Văn Em đóng vai “Lê Đức Thịnh”, Phó Giám đốc Công ty XSKTMB nói chuyện với ông Đ. và cho số đánh đề. Ông Đ. trúng đề tổng cộng hơn 64 triệu đồng nên rất tin tưởng, đã chuyển tổng cộng hơn 264 triệu đồng cho các đối tượng.

Một câu hỏi đưa ra: Vì sao các đối tượng giả danh lừa đảo, nhưng những người bị lừa lần đầu tiên khi các đối tượng cho số đánh đề lại trúng? Câu hỏi tưởng khó nhưng câu trả lời lại rất đơn giản. Hàng ngày, các đối tượng tìm danh bạ, gọi bất kỳ cho hàng trăm số điện thoại ở khắp các tỉnh, thành để cho số đánh đề. Sẽ có một số người đánh thử, trong hàng trăm con số thì chắc chắn sẽ có con số trúng. Những người trúng số đề đương nhiên là con mồi để các đối tượng này lên kế hoạch lừa đảo lớn hơn. Bọn chúng sẽ yêu cầu người chơi tham gia góp vốn vào Công ty XSKTMB để chia lợi nhuận và hàng ngày đều có số đánh trúng đề. Không ít người đã tin tưởng và chuyển hàng tỷ đồng cho các đối tượng chiếm đoạt.

Trong số những người bị hại, có người là người dân bình thường, có người là chủ doanh nghiệp, cũng có người là cán bộ về hưu. Nếu nói họ thiếu hiểu biết, nhận thức thấp xem ra có vẻ khập khiễng. Vấn đề là những người bị sập bẫy e ngại, xấu hổ, kể cả sợ dính líu đến pháp luật nên dù biết bị lừa, nhưng họ không đi tố giác tội phạm. Đơn cử như ông T.N.A ở tỉnh Thái Nguyên (trúng số đề 33 triệu đồng), nhưng bị lừa tổng cộng trên 3,2 tỷ đồng, vì sợ bị xử lý về hành vi đánh bạc nên không trình báo. Đến ngày 6/6/2018, ông A. mới đến Công an tỉnh Thái Nguyên trình báo sự việc.

Vụ án trên gây tiếng vang trong dư luận tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Bởi, cùng với sự vào cuộc nhanh nhạy, cơ quan công an đã lần ra toàn bộ đường dây lừa đảo. Đây là tin vui cho người dân ở nhiều tỉnh, trong đó có Bạc Liêu. Hy vọng đây là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người, kể cả những người không phải là nạn nhân trong vụ án.

Kim Phượng

Trong 2 ngày 19 và 20/6/2019, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 14 bị cáo. Hội đồng xét xử tuyên phạt 14 bị cáo gần 180 năm tù. Trong đó, bị cáo Trần Văn Linh 19 năm tù, Đặng Văn Hà 17 năm tù, Đặng Chí Tâm 7 năm tù, Đặng Văn Em 15 năm tù, Trần Văn Nhựt 14 năm tù, Lê Văn Danh 14 năm tù, Lê Văn Đương 13 năm tù, Trần Chí Hướng 16 năm tù, Huỳnh Tấn Đạt 14 năm tù, Nguyễn Văn Có 15 năm tù, Lê Văn Ngoãn 3 năm tù, Lưu Giàu Em 15 năm tù, Nguyễn Quốc Kiệt 10 năm tù (các bị cáo này ngụ huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải) và Đặng Thị Hồng Hà (41 tuổi, ngụ quận 3, TP. Hồ Chí Minh) 7 năm tù. Đồng thời buộc các bị cáo khắc phục, hoàn trả lại số tiền lừa đảo, chiếm đoạt.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.