Chuyện cấp dưỡng nuôi con

Thứ Sáu, 24/04/2020 | 16:17

Ly hôn, có những đứa trẻ được cha chu cấp đủ đầy, thực hiện nghĩa vụ một cách cực kỳ trách nhiệm. Ngược lại, cũng có không ít trẻ chịu thiệt thòi, không chỉ mất đi một nửa tình yêu thương, mà còn mất luôn những quyền lợi do một nửa đấng sinh thành của mình - vì nhiều lý do - không hoặc rất ít đáp ứng. Và chuyện không chi trả nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, dù đó là nghĩa vụ mang tính chất pháp lý vẫn còn xảy ra nhiều.

Tiền cấp dưỡng nuôi con luôn là vấn đề phát sinh tranh chấp sau ly hôn. Ảnh minh họa: K.P

Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý. Phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Luật quy định nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc đối với người không trực tiếp nuôi con. Tuy nhận thức là thế, nhưng trên thực tế, không ít người vẫn ngó lơ quy định này hoặc chỉ thỏa thuận cho xong việc ly hôn tại tòa. Đến giai đoạn thi hành án thì “chây ì”, hoặc cố tình không thực hiện. Như trường hợp của chị L. (phường 3, TP. Bạc Liêu), khi ly hôn chồng đồng ý cấp dưỡng cho 2 con mỗi tháng 3 triệu đồng một cách tự nguyện. Thế nhưng, 18 tháng đã trôi qua kể từ sau khi bản án có hiệu lực, chị L. vẫn chưa nhận được một đồng tiền cấp dưỡng để nuôi con. Từ một người phụ nữ nội trợ không có việc làm ổn định, chị L. phải xin vào làm công nhân để có tiền nuôi con. Cơ quan Thi hành án TP. Bạc Liêu cũng đành “bó tay” vì anh chồng của chị L. đã bỏ việc, lại không có tài sản, thu nhập gì để xử lý.

Khác với trường hợp trên, chị P.M khi ly hôn 10 năm trước tòa tuyên người chồng trợ cấp nuôi 2 đứa con bằng 1 tháng lương cơ bản (mỗi con một nửa tháng lương), tại thời điểm lúc đó là 730.000 đồng. Hơn 10 năm nay, vẫn y nguyên số tiền đó trong khi vật giá thay đổi hàng năm. Chị P.M cho biết, nuôi 2 đứa con với tiền ăn, tiền học và một số chi phí khác cộng lại không nhỏ nhưng chồng cũ không hề tự nguyện chia sẻ. Anh cũng không đồng ý tăng thêm tiền cấp dưỡng nuôi con. Liên hệ với tòa án, chị P.M được hướng dẫn làm đơn yêu cầu khởi kiện tăng tiền trợ cấp nuôi con.

Không ít trường hợp do cơ quan thi hành án dân sự cung cấp, hầu hết là những trường hợp khó thi hành án cấp dưỡng nuôi con từ phía người cha đều xuất phát từ mâu thuẫn trầm trọng khi ly hôn của hai vợ chồng. Người chồng vì ghét người vợ mà không muốn trợ cấp nuôi con. Như chuyện của chị H., chồng cũ nói, “giao con nuôi thì được, không giao con thì không cấp dưỡng. Vì cấp dưỡng biết con có nhận được không hay vợ cũ tiêu xài hết”. Do đó, tòa tuyên thì mặc tòa tuyên, án có hiệu lực, nhưng anh ta vẫn trơ trơ không cấp dưỡng. Chị H. vì tự ái nên cũng bỏ mặc, tuy nhiên, sự bực tức của chị lây lan sang con. Chị gần như không cho phép con được tiếp xúc với cha, với dòng họ bên nội. Cuối cùng, thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ thơ.

Trách nhiệm nuôi dạy con cái là trách nhiệm chung của cha mẹ, và trách nhiệm này không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân. Do đó, ngay cả khi hôn nhân tan vỡ, thiết nghĩ, chúng ta càng nên lấy đó như một mất mát, thiệt thòi của con để bù đắp. Và chuyện cấp dưỡng nuôi con, dù đến từ phía nào, cũng là nghĩa vụ, là chuyện mà người trưởng thành phải chịu trách nhiệm với con, với xã hội.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.