Vụ lúa thu đông: Thời tiết bất lợi, nông dân gặp khó

Thứ Hai, 06/11/2023 | 16:46

Những năm gần đây, đa phần nông dân sẽ không xuống giống vụ lúa thu đông mà mở đồng đón nguồn nước ngọt từ các nhánh sông, vừa cho đất có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi dưỡng chất, vừa hạn chế được những tác động tiêu cực do thời tiết gây ra. Thế nhưng vụ thu đông năm nay, do giá lúa đang ở mức cao, cộng với việc nguồn nước trên các nhánh sông khá dồi dào nên nhiều nông dân vẫn đánh liều xuống giống.

Mưa nhiều, ngập cục bộ

Ngay đầu vụ, nông dân đã gặp khó do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều gây ngập cục bộ. Do không xuống giống đồng loạt lại nằm rải rác, không tập trung nên mỗi khi xảy ra ngập úng, nông dân phải dùng máy bơm để tháo nước ra khỏi ruộng lúa. Thậm chí có hộ sau khi gieo sạ đợt một thì lúa chết do bị ngập sâu, tiếp tục bơm tát nước và xuống giống lại. Mặc dù cách này sẽ đẩy chi phí lên cao, lợi nhuận cuối vụ không nhiều mà còn ảnh hưởng đến thời điểm xuống giống vụ đông xuân, nhưng vì sức hút từ giá lúa hiện tại nên nhiều nông dân vẫn đánh liều.

Ông Trần Văn Chiêu (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) chia sẻ: “Do nhiều hộ bỏ ruộng trống, không xuống giống đồng loạt nên không thể vận hành trạm bơm chung của ấp. Vì vậy, nhiều hộ phải chuẩn bị sẵn 2 - 3 máy bơm di động để phòng khi có mưa lớn là bơm nước ra sông, cứu lúa kịp thời”. Cũng theo ông Chiêu, do không xuống giống đồng loạt nên trước khi gieo sạ, mọi người phải thuê nhân công về be bờ, rào lưới quanh các gò đất cao gần ruộng để hạn chế tình trạng chuột tấn công, cắn phá lúa. Tiếp đó, các khoản chi phí như: phân, thuốc, tiền thuê nhân công cũng “ăn theo” giá lúa mà tăng cao. Đó là chưa kể, nếu vào giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trỗ đòng mà thời tiết mưa nhiều, ngập úng sẽ làm bộ rễ lúa yếu, kém hấp thu dinh dưỡng, dễ bị lem lép hạt, năng suất sẽ giảm.

Nông dân xã Hưng Phú (huyện Phước Long) xuống giống không đồng bộ nên không thể tận dụng lợi thế của các trạm bơm tập trung để tháo nước, cứu lúa khi xảy ra ngập úng. Ảnh: C.L

Hỗ trợ nông dân

Vụ thu đông năm 2023, nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục chọn những giống lúa thơm, cho phẩm chất gạo tốt, đáp ứng thị trường xuất khẩu cả trong và ngoài tỉnh như: Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, ST24, ST25…, tập trung ở các huyện: Hòa Bình, Phước Long… Thị trường lúa gạo trong nước và thế giới tiếp tục “nóng”, nhu cầu thu mua gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tăng mạnh, giá thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh cũng tăng cao. Tại một số địa phương, mặc dù chưa đến ngày thu hoạch lúa nhưng đã có thương lái đến xem, đặt cọc để thu mua. Hiện giá lúa đang được thương lái thu với mua giá cao như lúa ST24 dao động từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 7.400 - 7.600 đồng/kg.

Dù giá lúa tăng, nông dân vẫn lo ngại tình hình mưa bão sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa sau thu hoạch, trong đó có các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nam Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Phần lớn diện tích lúa thu đông của HTX Nam Hưng đang trong giai đoạn đẻ nhánh, những ngày qua, mưa rải rác, mực nước trong ruộng cao gây ngập một số trà lúa, HTX đã cho vận hành thường xuyên các trạm bơm, huy động các máy bơm lưu động, gia cố lại bờ bao… để bảo vệ trà lúa cho nông dân.

Theo nhận định của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, từ nay đến cuối năm 2023, tình hình mưa, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ còn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày có khả năng gây ngập úng, đổ ngã các diện tích lúa thu đông. Để bảo vệ diện tích lúa, các địa phương cần quan tâm huy động mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa các trạm bơm tập trung, gia cố các bờ bao, các cống ngăn mặn đầu nguồn để tránh tình trạng xâm nhập mặn trong những đợt triều cường. Cũng như cần thông tin kịp thời diễn biến thiên tai, tình hình thời tiết để người dân chủ động trong sản xuất. 

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.