Quan tâm chăm sóc vụ mùa xuyên Tết

Thứ Sáu, 02/02/2024 | 17:15

Mặc dù đã cận tết Nguyên đán 2024, Sở NN&PTNT vẫn tổ chức nhiều đoàn cán bộ xuống cơ sở cùng nông dân ra đồng kiểm tra sâu bệnh trên các trà lúa. Đồng thời, kiểm tra độ mặn, quản lý việc vận hành cống, đảm bảo điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và TP. Bạc Liêu kiểm tra điều tiết nước mặn trên kênh Trường Sơn phục vụ nuôi trồng thủy sản.

BẢO VỆ CÁC TRÀ LÚA ĐÔNG XUÂN

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được khoảng 40.000/44.000ha lúa đông xuân theo kế hoạch. Hiện các trà lúa đông xuân đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng, tùy theo thời gian xuống giống của từng vùng sản xuất. Còn hơn 4.000ha xuống giống trễ, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nhanh chóng xuống giống để cuối vụ không thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất.

Địa bàn TX. Giá Rai - nơi cuối nguồn nước ngọt - nông dân đã xuống giống được hơn 7.600ha, hiện lúa đang phát triển khá tốt. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi, đề phòng các loại sâu bệnh gây hại trên các trà lúa này.

Theo cơ quan chuyên môn, thời gian tới, lúa đông xuân sẽ có các đối tượng phát sinh gây hại như rầy nâu, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ… Dự báo sâu bệnh có khả năng gây hại mạnh vào những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán 2024. Do đó, khi phát hiện có dấu hiệu của sâu bệnh, nông dân cần tích cực phòng trừ triệt để, nhất là đối tượng rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Theo ông Lê Thanh Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đơn vị đã khuyến cáo nông dân vui Xuân, đón Tết nhưng không để lúa cháy rầy và sâu bệnh phá hại. Chi cục cũng đã thông báo về tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa cho nông dân các địa phương để bà con chủ động phòng trừ hiệu quả”.

Bên cạnh đó, ngành chức năng các địa phương cũng phát động nông dân ra quân phòng trừ sâu bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trong dịp Tết.

Nông dân phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa. Ảnh: M.Đ

ĐẢM BẢO NGUỒN NƯỚC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Nhằm đảm bảo nguồn nước mặn phục vụ NTTS, mới đây, Sở NN&PTNT tổ chức các đoàn đi kiểm tra tiến độ thi công các cống điều tiết nước trên địa bàn TP. Bạc Liêu và huyện Hòa Bình. Riêng TX. Giá Rai hiện có khoảng 20.000ha được nông dân thả giống, tôm phát triển tốt, nguồn nước mặn dồi dào. Ông Huỳnh Thanh Toàn - Trưởng phòng Kinh tế TX. Giá Rai, cho biết: “Hiện Phòng Kinh tế khuyến cáo nông dân bơm trữ nước mặn phục vụ nuôi tôm trong thời gian tới. Lịch điều tiết nước trong những ngày cận Tết sẽ mở cống để rút nước ngọt về phục vụ sản xuất lúa đông xuân, nên khả năng vùng nuôi tôm thiếu nước mặn. Trước tình hình này, cán bộ ngành Nông nghiệp cũng đã xuống tận hộ dân khuyến cáo bơm trữ nước mặn nhằm tránh thiếu nước nuôi tôm”.

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Các cống trên tuyến đê biển Đông, đơn vị thi công đã đưa nước vào cho người dân nuôi tôm, nuôi Artemia. Riêng cống Hoành Tấu, cống Kênh Tư (huyện Hòa Bình), đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước tháng 6/2024. Trong quá trình vận hành hệ thống cống, Chi cục Thủy lợi tỉnh theo dõi sát tình hình diễn biến nguồn nước (mặn, ngọt), kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống cống, phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông báo lịch điều tiết nước để nông dân và các chủ phương tiện giao thông đường thủy chủ động lấy nước (mặn, ngọt) phục vụ sản xuất và giao thông đi lại…

MINH ĐẠT

Theo lịch điều tiết nước của Sở NN&PTNT: Các cống vùng ngọt từ cống Láng Tròn đến hệ thống cống Đông Nàng Rền, hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt trên địa bàn các huyện Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai đóng lại trữ nước ngọt; thường xuyên theo dõi để mở tiêu ô nhiễm ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định. Song, hạn chế mở tiêu nước từ tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A vào những ngày triều cường (từ ngày 9 - 15/2/2024) để phía Nam Quốc lộ 1A lấy nước mặn phục vụ NTTS.

Các cống vùng mặn như cống Khúc Tréo, Sư Son, Nọc Nạng chủ yếu mở ra - vào 2 chiều hoặc đóng lại tùy theo tình hình diễn biến nguồn nước (mặn, ngọt) trên hệ thống thủy lợi phía Bắc Quốc lộ 1A. Các cống lớn như Cây Gừa, Láng Trâm, Nhàn Dân và Lầu Bằng chủ yếu mở ra - vào 2 chiều hoặc đóng lại tùy theo tình hình diễn biến nguồn nước (mặn, ngọt) trên hệ thống thủy lợi phía Bắc Quốc lộ 1A. Cống Giá Rai mở lấy nước mặn các ngày 9 - 12/2; các ngày khác đóng hoặc mở tiêu ra một chiều tùy tình hình diễn biến nguồn nước (mặn, ngọt) trên hệ thống thủy lợi phía Bắc Quốc lộ 1A. Cống Hộ Phòng mở lấy nước mặn các ngày 9/2 và từ 13 - 15/2… Mở tiêu nước ra một chiều ở tất cả các cống dọc Quốc lộ 1A từ cống Láng Trâm đến cống Giá Rai, khi độ mặn có khả năng vượt qua ranh 2 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu, ảnh hưởng đến diện tích sản xuất lúa của tiểu vùng giữ ngọt ổn định của 2 tỉnh.

Để bà con chủ động trong việc lấy nước mặn NTTS trong 15 ngày cuối tháng 2/2024, hệ thống cống phía Nam Quốc lộ 1A (cống trên tuyến đê biển Đông) sẽ cho vận hành một số cống lớn và cống nhỏ nhằm ngăn triều cường 15 ngày đầu tháng 2. Các cống còn lại vẫn mở tự do để lấy nước phục vụ sản xuất NTTS vùng phía Nam Quốc lộ 1A.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.