Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản hợp lý

Thứ Sáu, 03/11/2023 | 16:57

Nhằm tránh tình trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, Bạc Liêu đã và đang tăng cường kiểm soát vùng biển đánh bắt, đồng thời hướng đến quy hoạch cụ thể cho từng vùng để khai thác thủy sản một cách hợp lý.

Sở NN&PTNT tổ chức thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

THỰC TRẠNG KHAI THÁC THỦY SẢN

Bạc Liêu xác định kinh tế biển là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhằm hiện thực hóa trụ cột này, tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiện toàn tỉnh có tổng số tàu cá đã đăng ký là 1.018 chiếc, tổng công suất 208.946CV, với tổng số lao động 6.196 người. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 451 chiếc (chiếm 44,30%), tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m là 209 chiếc (chiếm 20,53%), tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12m hoạt động vùng biển ven bờ là 358 chiếc (chiếm 35,17%). Trong cơ cấu nghề khai thác thủy sản của tỉnh, lưới rê chiếm số lượng nhiều nhất với 697 chiếc (chiếm 68,47%), lưới kéo 228 chiếc (chiếm 22,40), có 42 cặp (84 tàu) chiều dài từ 15m trở lên làm nghề lưới kéo đôi, nghề câu 39 chiếc (chiếm 3,83), nghề hậu cần 54 chiếc (chiếm 5,30%).

Cảnh sát biển phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức tuyên truyền cho ngư dân về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Về cơ cấu sản lượng khai thác thủy sản, cá và thủy sản khác luôn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 90% sản lượng khai thác. Tốc độ gia tăng sản lượng cá và thủy sản khác là 1,12%/năm, trong khi sản lượng tôm giảm 3,84%/năm.

Những năm gần đây, sản lượng khai thác thủy sản tăng chậm (tăng bình quân 0,63%/năm). Nguyên nhân do giá nhiên liệu tăng, cộng với thời tiết trên biển diễn biến phức tạp nên hiệu quả khai thác thủy sản của các đội tàu giảm đáng kể, chỉ có 40 - 60% số tàu hoạt động hiệu quả, còn lại chỉ hòa vốn và lỗ phí, một số tàu phải tạm ngưng hoạt động.

Theo đánh giá của các nhà khoa học và nhà quản lý, nguồn lợi thủy sản ven bờ bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép từ 10 - 12%, trong đó tỷ lệ thủy sản chưa trưởng thành khai thác chiếm 35 - 40%. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, năng lực khai thác thủy sản xa bờ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tổ chức sản xuất khai thác mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự liên kết và hợp tác trong sản xuất; công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu lạc hậu, chậm đổi mới, tổn thất sau thu hoạch lớn, hiệu quả sản xuất thấp.

Lực lượng chức năng mở đợt kiểm tra các phương tiện đánh bắt trên biển.

CÁC GIẢI PHÁP KHAI THÁC BỀN VỮNG

Để bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững trong thời gian tới, ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Bạc Liêu sẽ vận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, các nguồn lực xã hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển ngành khai thác thủy sản của tỉnh. Theo đó, cơ cấu lại các đội tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi một số nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Định kỳ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo quy định, nhằm làm cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác quản lý thủy sản theo hướng bền vững và có trách nhiệm; sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Hiện tỉnh đã có chủ trương lập Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giúp giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, góp phần hiện thực hóa trụ cột thứ 5 “Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh” trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà”.

Bên cạnh đó, tập trung khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác thủy sản; hình thành một số doanh nghiệp lớn để hợp tác khai thác viễn dương. Củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đầu tư khoa học - công nghệ, nâng cấp các đội tàu khai thác, phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả. Áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, nguồn lợi, giám sát hoạt động tàu cá. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nghề cá và hoàn thiện dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác hải sản.

Mặt khác, quan tâm đầu tư hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại các cửa biển. Khuyến khích phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản. Xây dựng, triển khai một số chính sách về phát triển thủy sản bền vững. Hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình; trang bị nhật ký khai thác thủy sản điện tử để đảm bảo sản phẩm thủy sản khai thác minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân.

Bài và ảnh: MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.