Năm 2024: Bạc Liêu chủ động tăng tốc và bứt phá

Thứ Sáu, 29/12/2023 | 16:01

Năm 2024 được đánh giá là năm có ý nghĩa rất quan trọng cho chặng đường “nước rút” để hoàn thành các chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Do vậy, việc đánh giá, xác định đúng các tiềm năng, lợi thế và chọn đúng các đột phá sẽ là điều kiện không thể thiếu cho một Bạc Liêu chủ động tăng tốc và phát triển nhanh.

Phát triển năng lượng sạch sẽ là một đột phá chiến lược của tỉnh trong tương lai.

PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH TỈNH KHÁ

Xét về sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không gì khác ngoài tập trung vào “3 trụ cột” quan trọng - đó là giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội và môi trường phát triển bền vững. Trong đó, Bạc Liêu chọn phát triển kinh tế theo hướng xanh, tăng đầu tư cho bảo vệ môi trường, đầu tư phục hồi tài nguyên, sinh thái. Từ đó, gia tăng giá trị dựa trên nền tảng bền vững và khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có. Đồng thời, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Cũng như, có mức GRDP/người thuộc nhóm cao của vùng và quy mô kinh tế đến năm 2025 tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020.

Để đạt được các chỉ tiêu quan trọng trên thì tăng trưởng bình quân hằng năm phải ở mức khá cao. Nghĩa là phải đạt từ 7,16%/năm trong 5 năm 2016 - 2020, lên khoảng 10 - 11%/năm trong 10 năm 2021 - 2030. Theo đó, cùng với tập trung cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, liên kết vùng. Cũng như, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng thị trường xuất khẩu và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tác phong công nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Đặc biệt là rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ và không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, năng động sáng tạo, tất cả vì một Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững.

Trong quá trình phát triển, vấn đề được quan tâm hiện nay chính là xác định đúng ngành có lợi thế và mang tính chi phối, tác động trực tiếp đến “3 trụ cột”. Có thể thấy, không ngành nào khác ngoài sản xuất nông nghiệp với dự báo đến năm 2030 chiếm khoảng 26% GRDP toàn tỉnh sẽ tiếp tục đóng vai trò là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Ngành kinh tế quan trọng này chiếm khoảng 1/3 lao động xã hội và gần 65% dân số nông thôn, 85% tài nguyên đất. Trong đó, phát triển kinh tế thủy sản giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế nông nghiệp với con tôm vẫn là trụ cột quan trọng nhất trong khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I). Hiện thủy sản đang chiếm 70 - 75% giá trị sản xuất khu vực I và dự báo thủy sản tiếp tục tăng nhanh hơn (gấp 2 lần), chiếm hơn 80% phần còn lại của khu vực I vào năm 2030.

Tôm nuôi công nghệ cao sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: K.T

ƯU TIÊN “3 ĐỘT PHÁ”

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI gắn với Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bạc Liêu đã xác định “3 đột phá” chiến lược và quyết tâm tăng tốc vào những năm cuối của nhiệm kỳ.

Đột phá thứ nhất chính là khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có về phát triển kinh tế biển và sớm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển. Bởi vùng biển và khu vực ven biển là nơi còn nhiều tiềm năng, lợi thế gắn với các ngành quan trọng như: sản xuất năng lượng tái tạo; nuôi trồng, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với chế biến, xuất khẩu… Bạc Liêu cũng đang phấn đấu trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo, trung tâm sản xuất tôm (cả tôm giống và tôm thực phẩm) lớn của cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mong muốn sẽ thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Bạc Liêu, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước... Từ đó tạo nên những bước thay đổi đột phá trên cơ sở thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, khai thác hiệu quả tài nguyên, phát huy nội lực gắn với tranh thủ cơ hội để phát triển.

Đột phá thứ hai là tập trung phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế quản trị. Theo đó, Bạc Liêu sẽ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao là đột phá và phát triển bền vững về lâu dài. Đồng thời, cải cách thể chế quản trị địa phương hướng tới kiến tạo, hiệu quả, hiện đại. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, đạo đức, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao trong thực hiện công việc được giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là yêu cầu cấp bách và trung tâm trong phát triển tỉnh.

Khâu đột phá thứ ba là tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng truyền tải điện, cảng biển, công nghệ thông tin, hạ tầng đô thị trung tâm, “tháo gỡ nút thắt” về hạ tầng là yêu cầu đột phá vừa cấp bách và lâu dài, nhu cầu nguồn lực rất lớn, cần lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu hiệu quả. Xác định doanh nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng và quyết định trong quá trình phát triển kinh tế thị trường hội nhập, hiện đại, vì vậy, tỉnh sẽ hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy khát vọng làm giàu, chính quyền đồng hành, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh trong giai đoạn mới…

Với khát vọng bứt phá và phát triển không ngừng, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu sẽ tạo nên những kỳ tích trong năm 2024 và những năm tiếp sau, đưa con tàu kinh tế tỉnh nhà vươn xa và thật sự thi đua làm giàu từ biển.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.