Giáo dục - Học Đường

Tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông: Cần thực hiện thường xuyên, liên tục

Thứ Sáu, 19/01/2018 | 16:12

Công tác tư vấn tâm lý (TVTL) cho học sinh phổ thông (HSPT) luôn được các cơ sở giáo dục, tổ chức, đoàn thể… trong và ngoài trường  quan tâm thực hiện nhằm tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để các em được phát triển một cách toàn diện. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn chưa phát huy hiệu quả ở nhiều đơn vị.

Học sinh bày tỏ những thắc mắc trong buổi tư vấn hướng nghiệp do Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải) tổ chức. Ảnh: Đ.K.C

Không đợi đến khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 31 về “Hướng dẫn thực hiện công tác TVTL cho HSPT” thì các cơ sở giáo dục mới quan tâm, dồn sức cho hoạt động này, mà nhiều năm qua việc tư vấn tâm lý đã trở thành hoạt động thường xuyên trong nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, xây dựng các bài giảng riêng theo chủ đề, hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; tổ chức dạy tích hợp các nội dung TVTL cho HSPT trong các hoạt động chính khóa, hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… nhiều đơn vị đã thu được hiệu quả tối ưu cho hoạt động ý nghĩa này.

Trong đó phải kể đến các trường như: THPT Chuyên Bạc Liêu, THCS Võ Thị Sáu, THPT Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu); THPT Lê Thị Riêng, Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (huyện Hòa Bình); THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long); THPT Điền Hải, THPT Gành Hào, THCS Lê Hồng Phong (huyện Đông Hải); THPT Giá Rai, THCS Phong Phú (TX. Giá Rai)… luôn có nhiều hoạt động TVTL, giáo dục trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, gần gũi với đặc điểm tâm sinh lý tuổi mới lớn. Những đơn vị này còn có hẳn những tổ TVTL có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo trường. Bởi vậy, rất nhiều gút mắc đã nhanh chóng được tháo gỡ; những trường hợp cá biệt dần bỏ đi tính xấu, hòa đồng hơn với tập thể; học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ly hôn… cũng được hỗ trợ, tư vấn kịp thời để thêm vững bước đến trường.

Thầy Phạm Văn Quân, Bí thư Đoàn trường THPT Gành Hào, chia sẻ: “Vì đặc thù trường có cả cấp 2 và 3 nên việc TVTL cho các em không phải dễ! Hơn nữa, đây còn là lứa tuổi “trẻ con không ra trẻ con, người lớn không phải người lớn”, nên nếu chúng ta lơi lỏng dù chỉ một chút là các em dễ dàng sảy chân trước những cám dỗ bên ngoài xã hội. Bởi vậy, ngoài việc giáo dục kiến thức, trường còn đặc biệt quan tâm công tác tháo gỡ những nút thắt tâm lý lứa tuổi, giáo dục kỹ năng sống, giới tính, định hướng nghề nghiệp… cho các em”.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực do nhiều nguyên nhân mà công tác này vẫn chưa phát huy hiệu quả ở nhiều đơn vị. Một số giáo viên có nhiều năm kiêm nhiệm công tác này cho rằng: khó khăn lớn nhất hiện nay là đa số các trường không có giáo viên chuyên về TVTL học đường, cũng như không có biên chế nào cho hoạt động này, vì  thế Ban Giám hiệu trường thường phân công các thầy cô có kinh nghiệm “gánh” thêm hoạt động tư vấn. Trong khi đó, các thầy cô này đa phần là giáo viên đứng lớp, học sinh gặp thường xuyên, điều này đôi khi lại trở thành rào cản khiến học sinh ngại ngần, không dám tìm đến tư vấn khi gặp phải gút mắc. Song song đó, nhiều giáo viên tư vấn thường dùng kinh nghiệm bản thân để giải quyết các tình huống học sinh vấp phải, mà hầu như không được đào tạo chuyên môn nên việc tư vấn không chuyên nghiệp, không giải quyết thấu đáo khó khăn cho học trò… dẫn đến việc tư vấn không đạt được hiệu quả như mong đợi. Song, điều khiến các trường, phòng giáo dục lo lắng nhất hiện nay là việc bố trí một phòng hoặc khu vực riêng để phục vụ việc tư vấn sẽ rất khó khăn, nhất là với các trường vốn thiếu phòng học, học sinh phải học 2 ca!

Tuy nhiên, vì một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện và dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu, các trường vẫn hạ quyết tâm “khó nhưng phải làm” và bám sát tình hình thực tế của đơn vị để xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp cho việc thành lập tổ tư vấn nhà trường. Trong đó, chú trọng công tác tư vấn về tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại học đường; tư vấn để tăng khả năng tự ứng phó, giải quyết những phát sinh trong các mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè, ngoài xã hội; trang bị cho các em những phương pháp học tập hiệu quả, kỹ năng định hướng nghề nghiệp (theo từng cấp học)… một cách tối ưu nhất.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.