Giáo dục - Học Đường

Tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Khó vẫn phải làm

Thứ Hai, 15/01/2018 | 16:36

Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật (ATEC) vừa tổ chức hội thảo khoa học “Tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong bối cảnh hiện nay” tại Bạc Liêu. Đây là vấn đề “nóng” về cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong bối cảnh hiện nay”. Ảnh: C.K

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH, sau hơn 1 năm đi vào thực hiện thí điểm theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, về thực hiện nhiệm vụ: đơn vị đã được chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp; về tổ chức nhân sự: đơn vị đã từng bước thực hiện rà soát lại toàn bộ cơ cấu và tổ chức biến chế, chủ động thành lập phòng, ban, trung tâm để thuận lợi cho việc điều hành và nắm bắt các cơ hội phát triển; về tài chính: nguồn thu sự nghiệp từ học phí và hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ được tăng cường, thu nhập của cán bộ, giáo viên, giảng viên được cải thiện.

Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện thí điểm lại bị thiệt thòi hơn so với các đơn vị khác do không được tiếp tục cấp chi thường xuyên, cơ chế “đặt hàng” chưa rõ ràng nên nguồn lực tài chính giảm. Để giải quyết bài toán khó này, các đại biểu đã cùng nhau phân tích cơ sở lý luận, tính tất yếu khách quan chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục chuyện nghiệp công lập, cũng như những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm và giải pháp của các trường khi thực hiện cơ chế tự chủ. Trong đó, có thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện và thực hiện cơ chế tự chủ từng nhiệm vụ như: thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính, thực hiện các dịch vụ công trong nhà trường…

Trường cao đẳng Bến Tre cho rằng “Có quá nhiều yếu tố tác động, kìm hãm quá trình hoạt động của các trường tự chủ. Tập trung nhất là sức ỳ, thói quen quản lý theo lối mòn cũ và hệ thống rào cản của các quy định, quy chế chưa theo kịp thực tiễn đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng nói chung”. Nhiều đơn vị khác cũng tập trung làm rõ vấn đề tự chủ như thế nào trong bối cảnh hội nhập, sáp nhập…

Dù Nghị định 16 đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, nhưng xem ra các trường vẫn còn khá lúng túng, chưa biết phải “xoay trở” ra sao với lộ trình tự chủ. Để tháo gỡ những vướng mắc này, hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nghị định này được hy vọng là bước đột phá với cơ chế thông thoáng, thuận lợi, xóa bỏ lo ngại của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tự chủ.

Trong xu thế hội nhập như hiện nay, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là việc làm cần thiết để các đơn vị “tự thân vận động”, trụ vững được bằng chính “thương hiệu” của mình. Hội thảo là cơ hội, là dịp để các trường cao đẳng, trung cấp trong Hiệp hội có dịp đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn khi được giao quyền tự chủ, từ đó đúc rút ra những kinh nghiệm cần thiết, áp dụng hiệu quả vào quá trình vận hành tại đơn vị.

Với cơ chế tự chủ, năng lực lãnh đạo, quản lý, giáo dục… của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được xã hội đánh giá qua thực tiễn, hiệu quả giáo dục. Vì thế, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cơ chế tự chủ là lộ trình tất yếu các đơn vị phải bước vào để hội nhập!

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.