Giáo dục - Học Đường

Quản lý trẻ vị thành niên tham gia mạng xã hội: Phụ huynh cần tỉnh táo để có giải pháp phù hợp

Thứ Tư, 22/11/2023 | 16:59

Xu thế chung hiện nay là các em học sinh THPT, THCS, thậm chí tiểu học đã được phụ huynh cho phép sử dụng điện thoại để thuận tiện trong việc học tập, cũng như liên lạc, quản lý các em. Đa số điện thoại mà các em sử dụng là điện thoại thông minh (smartphone), giúp dễ dàng kết nối Internet, tham gia vào mạng xã hội (MXH).

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích nổi trội như: kết nối nhanh, rộng khắp; cung cấp rất nhiều những thông tin cần thiết trong cuộc sống, phục vụ cho việc rèn luyện, vui chơi, giải trí; đặc biệt là hỗ trợ tốt cho việc học tập…, thì Internet, MXH cũng mang đến nhiều tác hại đối với những ai không biết cách kiểm soát.

Trẻ mầm non được tiếp cận với Internet.

Lời kêu cứu của nữ sinh lớp 7

Từ việc được tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh rất sớm, nên trẻ vị thành niên bây giờ rất thuần thục trong việc khai thác, sử dụng Internet, các MXH như: Facebook, Zalo, YouTube… Trong đó, phổ biến nhất là Facebook.

Câu chuyện dưới đây được một giáo viên chủ nhiệm cấp THCS của một trường trên địa bàn tỉnh chia sẻ mang đến rất nhiều bài học về cách sử dụng MXH của lứa tuổi học sinh, cũng như cách ứng xử của phụ huynh.

Chủ nhật, ngày 19/11/2023 cũng là ngày cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), bên cạnh hàng chục tin nhắn chúc mừng ngày truyền thống của ngành của bạn bè, học trò…, thì cô M. phát hiện có nhiều tin nhắn của một học sinh nữ với cùng nội dung “cô ơi cứu em”.

Linh cảm được sự việc nghiêm trọng có thể đã xảy ra đối với học sinh của mình, dù hôm đó trường đang tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng cô M. vẫn vội vàng điện thoại nhiều lần cho học sinh kia. Song, em này không bắt máy mà chỉ nhắn tin lại để trình bày sự việc với cô giáo. Theo nội dung tin nhắn thì nữ sinh này có quen biết với một người trên MXH, nhắn tin qua lại nhiều lần trong thời gian dài. Gần đây, người này lấy hình ảnh khuôn mặt của nữ sinh này (hình ảnh đăng trên tài khoản MXH cá nhân) ghép vào cơ thể (không có quần áo) của người khác, rồi gửi cho nữ sinh này với lời nhắn đe dọa sẽ tung lên MXH nếu không nghe theo lời hắn. Theo đó, người này dụ dỗ nữ sinh dùng điện thoại chụp lại những hình ảnh của các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và gửi cho hắn.

Nữ sinh này quá lo sợ, không biết phải làm sao nên đã cầu cứu cô giáo chủ nhiệm. Sau khi nắm được câu chuyện, cô chủ nhiệm khuyên nữ sinh này bình tĩnh, nên cho cha mẹ biết sự việc và kêu cha mẹ đi báo công an. Tuy nhiên, nữ sinh này không dám cho cha mẹ biết vì sợ bị cha mẹ rầy la, thậm chí là đánh.

Trước tình huống trên, cô chủ nhiệm đã trực tiếp liên hệ với phụ huynh của nữ sinh để cho biết sự việc và khuyên gia đình nên đi báo công an. Tuy nhiên, thay vì có cách hành xử đúng mực thì cha mẹ nữ sinh này đã chọn cách “đơn giản” nhất là tịch thu điện thoại của con và kèm theo một trận đòn khiến nữ sinh này không dám đi học vào những ngày sau đó.

Buổi nói chuyện chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên” tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh minh họa: C.K

Cha mẹ cần tỉnh táo để có giải pháp phù hợp

Khác với cách hành xử của phụ huynh trên, một phụ huynh có con đang học tiểu học khi phát hiện những dòng tin nhắn với nội dung “tình cảm khác giới” trên điện thoại của con, dù rất giận nhưng đã bình tĩnh nói chuyện, phân tích cho con hiểu về giới tính, về độ tuổi của con hiện tại nên làm gì, không được làm gì.

Phụ huynh này cũng rất khéo léo an ủi, động viên con mình cố gắng học tốt, chuyện “tình cảm khác giới” cha mẹ không cấm, nhưng chưa phù hợp ở lứa tuổi của con. Vì thế, chỉ xem nhau là bạn và cùng nhau phấn đấu học tốt. Với cách hành xử nhẹ nhàng như thế, trẻ sẽ nhận ra việc mình làm là sai.

Một cán bộ quản lý giáo dục và cũng là một phụ huynh chia sẻ rằng, không chỉ trên MXH mới có thông tin xấu, độc mà ngay cả tin nhắn điện thoại gần đây cũng xuất hiện những nội dung mời chào “mại dâm”. Số là, trong một lần vô tình thấy điện thoại của con có tin nhắn của số máy lạ, phụ huynh này mở ra xem thì “tá hỏa” khi thấy đó là lời mời chào của “dịch vụ vui vẻ”, kèm theo số điện thoại để liên hệ. Vị phụ huynh này than thở: “Bây giờ thật sự không biết cách nào để bảo vệ con trên không gian mạng vì các thông tin xấu, độc… cứ nhan nhản như cơm bữa”.

Theo các chuyên gia giáo dục, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của MXH đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp cho trẻ lứa tuổi vị thành niên thì mỗi gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng có liên quan cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng MXH. Thay vì cấm đoán, phụ huynh nên tìm hiểu và hướng dẫn trẻ các nguyên tắc sử dụng MXH sao cho đúng cách, hiệu quả. Điều cần thiết là dạy cho trẻ nhìn nhận được tính hai mặt của MXH, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng MXH một cách tùy tiện, thái quá.

Cha mẹ cần chỉ ra cách ứng xử khi tiếp xúc với những thông tin xấu, độc đăng tải tràn lan trên các trang MXH và biết cách làm chủ, điều tiết và kiểm soát được các hành vi của bản thân trẻ. Điều đó sẽ giúp cho trẻ vị thành niên có đủ tự tin, bản lĩnh và phương pháp phòng tránh với những chiêu bài tiêu cực trên MXH.

Châu Khánh

Đừng ngăn cấm, hãy hướng dẫn con dùng mạng xã hội đúng cách

Với thế hệ trẻ bây giờ, mạng xã hội (MXH) là một phần tất yếu của cuộc sống. Thay vì ngăn cấm, cha mẹ cần chấp nhận và hướng dẫn con các nguyên tắc sử dụng MXH sao cho đúng cách và hiệu quả.

1. Bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân

Kẻ xấu có thể lợi dụng vị trí, hình ảnh và thông tin liên lạc của trẻ, do đó cha mẹ cần hướng dẫn trẻ các cách quản lý, bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân trên MXH.

Ngay cả với bạn học, con cũng không nên tiết lộ mật khẩu của các tài khoản đăng ký MXH, vì rất có thể bạn bè sẽ sử dụng tài khoản của con làm những việc không hay.

2. Không cả tin với những mối quan hệ trên MXH

Cha mẹ cần nhắc nhở con cẩn trọng với những người mới quen trên mạng. Nếu chưa từng gặp mặt thì con không được cung cấp các thông tin riêng tư như số nhà, trường học, lớp học, số điện thoại.

3. Mọi thứ là “bất tử” trên Internet

Cha mẹ cần khuyên con suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải hay chia sẻ điều gì trên MXH, nhất là những thông tin có thể ảnh hưởng danh tiếng của con trong tương lai.

4. Cẩn trọng khi bình luận

Cha mẹ hãy nhắc nhở con cư xử tử tế với bạn bè trên mạng như khi ở ngoài đời thật. Có thể con không ác ý khi bình luận vui về ngoại hình hay tính cách của người khác, nhưng những lời đó có thể khiến họ tổn thương sâu sắc.

5. Kiểm tra tài khoản của con một cách nhẹ nhàng, minh bạch

Để đảm bảo con đang làm theo những nguyên tắc an toàn trên MXH, thỉnh thoảng cha mẹ cần kiểm tra tài khoản MXH của con, nhưng đừng làm việc này một cách lén lút. Hãy cùng con kiểm tra để con hiểu rằng chuyện cha mẹ đang làm là để bảo vệ, hướng dẫn cho con, chứ không phải đang theo dõi con. Nếu phát hiện những nguy cơ hoặc những hành động không đúng của con, hãy bình tĩnh, góp ý nhẹ nhàng để con hiểu và cùng sửa chữa. Đơn giản hơn, hãy kết bạn với con trên Facebook để hiểu thêm về con mình, nếu con cảm thấy thoải mái và đồng ý.

6. Cha mẹ cần làm gương cho con

Con cái sẽ bị ảnh hưởng bởi thói quen sử dụng MXH của cha mẹ mình. Do đó, việc dạy con sử dụng MXH cũng là cơ hội để bạn xem xét việc chính bản thân có đang lơ là với các quy tắc an toàn thông tin cá nhân hay không, có đang dành quá nhiều thời gian để sống trên MXH không…

P.B.T (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.