Giáo dục - Học Đường

Nhà công vụ giáo viên:​ Còn nhiều trăn trở

Thứ Tư, 08/11/2023 | 16:02

Nhiều năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ nhà giáo luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác xây dựng, bố trí nhà công vụ cho giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa… đã và đang được thực hiện rất tốt.

Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của tỉnh thì vấn đề đảm bảo đủ nhà công vụ đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cả về kinh phí lẫn quỹ đất để đầu tư xây dựng.

Khánh thành nhà công vụ giáo viên của Trường THPT Tân Phong (xã Tân Phong, TX. Giá Rai).

Quan tâm nơi ăn, chốn ở

Theo số liệu của ngành Giáo dục tỉnh, tính đến thời điểm năm học 2023 - 2024, toàn ngành có gần 400 căn nhà công vụ, tương đối đáp ứng nhu cầu của các giáo viên nhà ở xa được phân công công tác tại vùng sâu, vùng xa hoặc các giáo viên chưa có nhà ở… để họ yên tâm công tác.

Số nhà công vụ này được xây dựng từ nhiều năm trước đến nay, được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó nhiều nhất là từ nguồn Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012. Theo đề án được phê duyệt, Bạc Liêu có tổng số phòng học cần được xây dựng kiên cố là 692 phòng và 8.376m2 nhà công vụ giáo viên, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 230 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ 60%, số còn lại được cân đối từ nguồn ngân sách địa phương. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, Đề án này tiếp tục được Chính phủ đầu tư giai đoạn 2 (từ năm 2011 - 2015) để xây dựng thêm trên 5.580 phòng học, phòng chức năng và 275 căn nhà công vụ với tổng mức đầu tư lên đến gần 3.000 tỷ đồng.

Tính đến đầu năm 2013, ngành Giáo dục tỉnh đã hoàn thành trên 300/349 căn nhà công vụ giáo viên. Từ đó, nhiều giáo viên, nhất là các giáo viên về công tác ở vùng sâu, vùng xa có nơi ở ổn định để yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Ghi nhận tại Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) cho thấy, từ năm 2015, đơn vị đã được đầu tư và đưa vào sử dụng 10 căn nhà công vụ khá kiên cố. Bà Nguyễn Thị Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, cho biết: “Số nhà công vụ này cơ bản giúp đơn vị giải quyết được nhu cầu nơi ở cho các giáo viên của trường từ địa phương khác đến đây giảng dạy. Trước khi có nhà công vụ, các thầy cô đã phải thuê nhà ở bên ngoài rất tốn kém và bất tiện”.

Cô Y. - một nhân viên được bố trí nhà công vụ của Trường THCS Chu Văn An, chia sẻ: “Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhà lại ở địa phương khác nên tôi được Ban giám hiệu, Công đoàn trường xét cấp cho căn nhà công vụ. Tôi rất biết ơn. Dù diện tích nhà chỉ vài chục mét vuông nhưng vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của gia đình để tôi yên tâm công tác, không phải di chuyển xa như trước đây nữa, vì vậy cũng tiết kiệm được chi phí và công sức, nhất là trong mùa mưa”.

Bên cạnh nguồn vốn từ Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên thì các trường còn tích cực vận động các nguồn lực khác hỗ trợ xây dựng nhà công vụ. Mới đây, Trường THPT Tân Phong (xã Tân Phong, TX. Giá Rai) vừa được hỗ trợ xây dựng nhà công vụ trong khuôn viên trường với diện tích trên 62m2, gồm 2 phòng ở và khu vệ sinh khép kín. Tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng, do Công đoàn Cụm thi đua số 3, Công đoàn giáo dục một số tỉnh, thành phố hỗ trợ. Hiện tại, Trường THPT Tân Phong có 4 căn nhà công vụ (trước đây đã xây dựng 2 căn). Tuy nhiên, với 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 18 giáo viên ở xa, có nhu cầu nghỉ trưa tại trường thì nhu cầu vẫn còn rất cao.

Hai căn nhà công vụ giáo viên của Trường THPT Tân Phong được xây dựng trước đây. Ảnh: C.K

Còn nhiều khó khăn

Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Hiện tại, nhu cầu nhà công vụ để bố trí cho các giáo viên, nhân viên của ngành công tác xa nhà, chưa có nhà ở… vẫn còn. Tuy nhiên, ngành cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí và quỹ đất để đầu tư xây dựng. Bởi theo quy định, nhà công vụ giáo viên phải được xây dựng trong khuôn viên thuộc quyền quản lý của trường học. Vì thế, có một số trường dù có nhu cầu, có nguồn vốn hoặc được hỗ trợ từ các nguồn vận động nhưng không có quỹ đất để thực hiện việc xây dựng. Cũng có trường hợp đơn vị có nhu cầu, có quỹ đất nhưng không bố trí được vốn”.

Một khó khăn nữa là do đa số căn nhà công vụ được xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp nhưng nguồn kinh phí sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp… cũng vô cùng khó khăn. Phần lớn giáo viên được cấp nhà công vụ phải tự bỏ tiền túi ra sửa chữa tạm để “che nắng, che mưa” với tâm lý “an cư” để tiếp tục an tâm công tác.

Theo một giáo viên được cấp nhà công vụ cho biết: “Do diện tích nhà công vụ chỉ vài chục mét vuông nên nếu giáo viên chưa có gia đình, ở một mình thì thoải mái. Nhưng nếu là người đã có gia đình (trường hợp cả hai đều là giáo viên) và có con thì không gian sinh hoạt rất chật hẹp, gia đình phải bố trí giường tầng cho các con”. Giáo viên này còn nói vui: “Việc bố trí nơi ăn, chốn ở, các vật dụng cần thiết phục vụ đời sống hằng ngày của một gia đình trong nhà công vụ cũng phải rất khoa học, rất nghệ thuật vì phải tính toán rất kỹ lưỡng từng món đồ muốn mua”.

Nhìn chung, việc bố trí nơi ăn, chốn ở cho những giáo viên công tác xa nhà đã và đang được ngành Giáo dục rất quan tâm. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn như trên, một bộ phận giáo viên vẫn còn chưa được “an cư” nên vẫn chưa thể yên tâm công tác.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.