Giáo dục - Học Đường

Để mùa hè của học sinh thêm ý nghĩa

Thứ Sáu, 14/06/2019 | 17:14

Hè về, trái ngược với niềm vui sướng của các em học sinh vì được thỏa thích vui chơi, thư giãn trong suốt kỳ nghỉ dài gần 3 tháng, thì các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh thành thị lại canh cánh những nỗi lo. Bởi lẽ, họ phải suy nghĩ, lên kế hoạch sắp xếp cho con mọi hoạt động, sinh hoạt cho thật hợp lý, ý nghĩa và an toàn trong mùa hè này.

Trẻ em khu nhà ở Hữu Nghị (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) với những trò chơi mới tại khu vui chơi vừa được bàn giao. Ảnh: Đ.K.C

Đối với nhóm trẻ bậc mẫu giáo thì vài năm trở lại đây, phụ huynh đã bớt phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con vì tại các đơn vị giáo dục có nhận giữ và chăm sóc trẻ trong 2 tháng đầu kỳ nghỉ hè. Tháng còn lại, phụ huynh cũng hoàn toàn an tâm khi gửi trẻ ở một số cơ sở tư nhân có chất lượng, hoặc tại nhà một số giáo viên quen biết.

Chỉ riêng nhóm học sinh bậc tiểu học, THCS mới khiến các phụ huynh đau đầu. Bởi lẽ, trên thực tế không phải gia đình nào cũng có điều kiện thuê người trông nom, chăm sóc con những ngày hè. Với những gia đình mà ông bà, người thân ở xa, sau khi các em kết thúc thời gian học ở các lớp dạy thêm, phụ huynh buộc lòng phải đưa con cùng đến cơ quan, công ty. Để không ảnh hưởng đến công việc, nhiều phụ huynh đã “mắt nhắm mắt mở” cho con chơi với máy vi tính, điện thoại. Thậm chí nhiều người còn chở con về nhà, để đứa lớn trông đứa bé bằng tivi, máy tính bảng… Tuy nhiên, điều này vô tình dẫn đến sự phát triển lệch của trẻ. Nhiều trẻ trở nên ngại giao tiếp, nghiện game, giảm thị lực…

Để con có được một mùa hè đúng nghĩa, được tham gia các hoạt động bổ ích, học mà chơi, chơi để học; trang bị thêm những kỹ năng phù hợp với độ tuổi, nhiều phụ huynh đã nghĩ đến những giải pháp “thông minh” là cho con tham gia các chương trình: học kỳ trong quân đội, trại hè, khóa tu mùa hè, các lớp học kỹ năng… thay cho việc nhồi nhét kiến thức ở những lớp học thêm các môn văn hóa, hay vùi đầu vào trò chơi vô bổ.

Hiện nay, học kỳ trong quân đội là một trong rất nhiều các khóa học thiết thực và bổ ích vào mùa hè cho trẻ. Được sống trong môi trường kỷ luật, sinh hoạt, học tập theo một kỷ cương nghiêm khắc sẽ giúp các em thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt không lành mạnh trước đây. Trong khuôn khổ khóa học, trẻ còn được tham gia nhiều hoạt động khuyến khích thể hiện khả năng, thế mạnh, được trang bị những kỹ năng sống cần thiết, tăng gia lao động, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện… Đây là môi trường tốt để trẻ phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần.

Khóa tu mùa hè cũng là một giải pháp hay để các bậc phụ huynh cho con em mình tham gia. Đây được ví như một sân chơi đậm tính nhân văn cho học sinh trong dịp hè, nhằm giúp các em nhận thức được giá trị cuộc sống, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; sống hội nhập với văn hóa hiện đại mà không lãng quên truyền thống cha ông. Thông qua các hoạt động ý nghĩa như: tụng kinh, tọa thiền, pháp thoại, văn nghệ - nét đẹp con người phật, biểu diễn thời trang áo lam, đốt lửa trại, trang trí báo tường, thắp nến tri ân, phiên chợ quê hương… các em được trải nghiệm nếp sống chốn thiền môn, được nghe giảng phật pháp, giảng về ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha… Những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại giúp định hướng lối nghĩ, cách làm của lứa tuổi mới lớn khi tâm sinh lý có nhiều thay đổi và đôi khi có thái độ “bất hợp tác” với ông bà, cha mẹ.

Trong khi học sinh thành thị được tạo nhiều điều kiện để có những sân chơi mùa hè bổ ích, thì học trò nông thôn lại phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn về sân chơi, hoạt động thú vị mỗi dịp hè về. Cha mẹ bận việc đồng áng, vuông tôm, rẫy liếp… những đứa con lớn nhiều khi cũng được huy động ra phụ, đứa nhỏ thiếu người trông nom phải gửi cho ông bà, chòm xóm. Do thiếu các điểm vui chơi, giải trí, nên các em phải tự tạo niềm vui bằng các trò tiêu khiển như: trèo cây, bắt dế, tắm sông… mà không biết hiểm nguy đang rình rập, tai nạn thương tích, đuối nước có thể xảy đến với mình.

Bởi vậy việc dạy trẻ tập bơi hoặc cho tham gia các lớp dạy bơi không chỉ để con phát triển thể chất, mà còn trang bị kỹ năng sinh tồn. Đây vừa là sân chơi bổ ích, vừa để con tự bảo vệ mình. Một khi trẻ đã biết bơi, đã trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tránh rủi ro, tai nạn thương tích thì các bậc phụ huynh có thể yên tâm cho con thỏa sức trải nghiệm những điều thú vị ở vùng quê chứa đựng những hồi ức đẹp của tuổi thơ.

Để những mùa hè trở thành “món quà đặc biệt” của học sinh, cần lắm sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc tạo ra ngày càng nhiều sân chơi bổ ích, hoạt động hè sôi nổi. Ngoài ra, mỗi gia đình, đặc biệt là các bậc phụ huynh nên có biện pháp quản lý, không để con em mình sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển tâm hồn và trí tuệ.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.