Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Giảm nghèo bền vững - đích đến của một xã hội phồn vinh

Thứ Sáu, 07/04/2023 | 16:50

Bài 2: Giúp người nghèo bằng tấm lòng, sự thấu hiểu

>>Bài 1: Chủ trương đúng, triển khai hiệu quả

Trên chặng đường phát triển, Bạc Liêu luôn thể hiện sự “đồng lòng, chung sức” của Đảng bộ cùng các tầng lớp nhân dân để nhanh chóng vượt lên xuất phát điểm thấp, rồi bứt phá vươn lên tốp đầu khu vực, tốp khá cả nước. Và để có những bước đột phá thành công, tỉnh cũng xác định cùng tăng tốc, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì vậy, thời gian qua Bạc Liêu đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho “người yếu thế” phía sau. Cả hệ thống chính trị vào cuộc và đã xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính: Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng trái tim và sự thấu hiểu.

MÔ HÌNH HỢP LÒNG DÂN

Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện và thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo mới thấy được sự quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Do ở xuất phát điểm thấp từ những năm đầu “ra riêng” (1997) nên tỷ lệ hộ nghèo cao mà nguồn ngân sách địa phương lại hạn hẹp. Chính vì vậy, bên cạnh phải nỗ lực triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách giảm nghèo của Trung ương, Bạc Liêu phải huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các giải pháp đồng bộ mới có thể giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Một trong những nguồn lực quan trọng mà tỉnh xác định chính là nguồn “nội lực” sẵn có. Từ chủ trương “các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên đỡ đầu, hỗ trợ hộ nghèo” được Ban Thường Vụ Tỉnh ủy ban hành năm 1993, hàng năm UBND tỉnh sẽ dựa trên kết quả rà soát hộ nghèo của các địa phương, “tiềm lực” của từng đơn vị để trực tiếp phân công cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và các địa phương nhận hỗ trợ hộ nghèo theo danh sách chỉ định. Cụ thể, 10 năm qua, tỉnh đã phân công gần 4.350 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương nhận hỗ trợ, giúp đỡ trên 41.600 lượt hộ nghèo, với số tiền trên 137 tỷ đồng. Kết quả đạt được khá ấn tượng khi có 41.050/41.603 hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo. 

Đặc biệt, mô hình trên của Bạc Liêu đã được Trung ương đánh giá rất cao và làm điển hình để nhân rộng thực hiện ở nhiều tỉnh, thành khác. Bởi thực tế chứng minh, các đơn vị sau khi được phân công đã trực tiếp đến từng hộ nghèo để thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh. Qua đó hiểu được nguyện vọng, nhu cầu của hộ nghèo để có giải pháp giúp đỡ. Đơn cử như Công an tỉnh - một trong những đơn vị được giao nhận đỡ đầu hộ nghèo nhiều nhất trong 10 năm qua (nhận đỡ đầu 410 hộ nghèo, cận nghèo). Theo đó, các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh sau khi được phân công đều tiếp cận và tìm hiểu kỹ từng hoàn cảnh hộ nghèo để có hướng giúp đỡ với phương châm “giúp cái hộ nghèo cần, chứ không giúp cái mình có”. Việc đỡ đầu hộ nghèo của cán bộ, chiến sĩ công an không dừng lại ở buổi trao vốn, phương tiện sản xuất mà còn là sự “đeo bám”, thường xuyên gần gũi để theo dõi việc sử dụng đồng vốn, chỉ cách làm ăn sao cho hiệu quả. Đặc biệt, gắn với nhiệm vụ chính trị của mình, nhiều đơn vị công an đã dành sự ưu tiên, giúp đỡ cho hộ nghèo có đối tượng hoàn lương. Đây cũng chính là giải pháp hết sức hiệu quả để các đối tượng sớm tái hòa nhập cộng đồng, là điển hình cho công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.

Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bạc Liêu tặng sổ bảo hiểm xã hội cho hộ nghèo xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) - địa bàn có nhiều hộ nghèo thiếu hụt tiêu chí bảo hiểm y tế. Ảnh: H.T

ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO BẰNG CÁI TÂM

Dù sự việc đã trôi qua gần 3 tháng, song bà Nguyễn Thị Liễu - hộ nghèo ở xã Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai) vẫn chưa nguôi niềm xúc động khi mùng 1 tết Nguyên đán Quý Mão được Chủ tịch UBND TX. Giá Rai - Đỗ Minh Thắng cùng cán bộ thị xã đến thăm và chúc tết gia đình. Hôm ấy, bà Liễu đã không cầm được nước mắt khi nhận tin vui từ lãnh đạo thị xã là sẽ hỗ trợ gia đình bà cất lại căn nhà mới thay cho căn nhà tạm bợ và hỗ trợ cháu ngoại của bà trở lại trường học. Bà Liễu cho rằng niềm vui này cũng chính là niềm hy vọng mà gia đình bà mong mỏi bấy lâu nay: khi giải quyết được nơi “an cư” thì sẽ tập trung lao động, tăng thu nhập và dành dụm cho con cháu ăn học, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Còn anh Trần Thanh Tuấn (ngụ ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) với cuộc sống ổn định hơn, không phải lay lắt kiếm từng bữa ăn như trước, đã khẳng định mình được như hôm nay là nhờ các anh chị cán bộ xã hỗ trợ rất nhiều. Năm 2020, hộ anh Tuấn thuộc diện vừa đông con lại thu nhập bấp bênh nên đã được đảng viên Lương Văn Ðấu (cán bộ Chi cục Thuế TP. Bạc Liêu) và đoàn thể xã hỗ trợ. Do đó, ngoài làm thuê công nhật ở địa phương, anh Tuấn được anh Đấu và cán bộ xã hỗ trợ mua giống, cải tạo 3 công đất rẫy, rồi hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt nên thu nhập đã tăng gấp 3 lần so với trước đây. Hộ anh Tuấn không chỉ thoát nghèo mà cuộc sống gia đình cũng đã tốt hơn rất nhiều.

Đối với Hội LHPN huyện Phước Long, ngoài nhận đỡ đầu hộ nghèo, mỗi năm Hội còn chủ động xây dựng kế hoạch để hỗ trợ các hội viên, phụ nữ khó khăn trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ không nhỏ, nên bên cạnh mỗi cán bộ, đảng viên của Hội tự quyên góp còn phải tích cực vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, trước hết là phương tiện, vốn. Sau đó, trong quá trình tìm hiểu các hộ, Hội sẽ có phương án giúp đỡ riêng biệt. Hoặc vận động học nghề, hoặc giới thiệu việc làm; nhà nào có đất thì hỗ trợ cây - con giống, phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật. Thậm chí đối với hộ đặc biệt khó khăn, Hội còn hỗ trợ thêm thức ăn, phân bón... để các hộ thực hiện nuôi trồng đạt hiệu quả cao nhất. Đơn cử năm 2022 vừa qua, khi thấy nhà ở của hộ nghèo xuống cấp trầm trọng, Hội LHPN huyện đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ 2 hộ nghèo do đơn vị đỡ đầu xây dựng nhà tình thương để các hộ “an cư lạc nghiệp”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam khẳng định: Chủ trương hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo của tỉnh sau 10 năm thực hiện đã trở thành phong trào sôi nổi, việc làm thường xuyên, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Không chỉ góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương mà qua đó cán bộ, đảng viên có nhiều dịp gần gũi với người dân hơn, tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa các cấp chính quyền với Nhân dân, nhất là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Do đó, chủ trương này sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhưng các ngành, các cấp cũng như cán bộ, đảng viên cần có sự đổi mới, nhiệt tâm hơn nữa. Không chỉ cá nhân đóng góp hỗ trợ người nghèo bằng tiền mặt, vật chất cụ thể mà còn phải giúp họ có được định hướng đúng, hiệu quả trong lao động sản xuất, có thu nhập ổn định, việc làm bền vững hơn. Đây chính là cái “tâm” đối với người nghèo, để từ đó tuyên truyền, vận động họ nâng cao nhận thức phải tự vươn lên, không chấp nhận đói nghèo, không trông chờ ỷ lại thì kết quả giảm nghèo mới đạt được sự bền vững.

HOÀNG UYÊN - HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.