Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác!

Thứ Tư, 01/07/2020 | 15:14

>> Bài 1: Hồi chuông báo động

Bài cuối: Bảo vệ trẻ em từ thành trì gia đình

Trẻ em là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, là mầm xanh cần được bảo vệ, chăm bồi. Vì vậy, để bảo đảm cho mọi trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh, tránh xa các hành vi bị bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục (XHTD), rất cần sự chung tay của toàn xã hội!

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tặng quà trẻ em nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2020. Ảnh: T.Q

Dai dẳng nỗi đau không thể bù đắp

Cuộc sống thiếu thốn, rày đây mai đó, tương lai mịt mờ, nên năm N.H (TP. Bạc Liêu) vừa tròn 10 tuổi thì mẹ em dứt áo ra đi, bỏ em lại cho cha dượng nuôi. Không chỉ hụt hẫng vì cảnh “tan đàn xẻ nghé”, trong quá trình chung sống, H. còn bị cha dượng xâm hại ở tuổi 12 và một năm sau đó, người cha dượng lại chính thức trở thành… chồng của H. khi em làm mẹ ở tuổi 13. Năm H. 19 tuổi, một lần nữa, giông tố cuộc đời lại kéo đến, trong lúc em mang thai đứa con thứ 3 được 5 tháng thì “chồng” mất. Hàng ngày, H. tay bồng tay bế 3 đứa con cùng xấp vé số trên tay để mưu sinh, nhưng số tiền kiếm được không đủ để mấy mẹ con no lòng. Biết được hoàn cảnh của H., nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trên địa bàn TP. Bạc Liêu đã có nhiều động thái giúp đỡ như: tặng thẻ bảo hiểm y tế, làm giấy khai sinh cho các con của H., hỗ trợ gạo, tiền…

Mỗi khi tiếp nhận thông tin có vụ việc XHTDTE xảy ra, các cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em và chính quyền địa phương đều có động thái quan tâm, hỗ trợ. Như trường hợp của K.B (13 tuổi, ngụ TX. Giá Rai), khi nắm thông tin bé bị XHTD, Sở LĐ-TB&XH đã lập tức cử đại diện đến thăm hỏi, đồng thời phối hợp với địa phương thường xuyên quan tâm, tìm cách giúp em sớm vơi đi nỗi mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 53 trường hợp trẻ em bị xâm hại (trong đó, có 4 trường hợp bị bạo lực). Trẻ em khi bị xâm hại, nhất là XHTD, hậu quả mà các em gánh chịu là những tổn thất về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể hủy hoại các em, bởi nếu không vượt qua được sự mặc cảm, các em rất dễ sa ngã vào những cạm bẫy, tệ nạn xã hội, như: mại dâm, ma túy, bạo lực…

Trước các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là XHTDTE có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, mới đây, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 23 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”...

Đoàn phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) tạo sân chơi cho trẻ em nghèo miền biển.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng XHTDTE, hàng năm Sở LĐ-TB&XH đều phát động Tháng hành động Vì trẻ em, tổ chức nhiều buổi tập huấn, diễn đàn, truyền thông liên quan về quyền trẻ em, Luật Trẻ em và kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Các trường học cũng đã chú trọng hơn việc lồng ghép dạy kỹ năng sống cho học sinh vào các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, môn học. Các địa phương thì đặc biệt quan tâm công tác chăm lo cho trẻ thông qua xây dựng sân chơi, tặng quà, chăm sóc tốt về giáo dục, y tế...

Mặc dù có nhiều động thái quyết liệt trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giúp trẻ đề phòng bị xâm hại, song phải nhìn nhận rằng, công tác này hiện vẫn còn nhiều khó khăn do toàn tỉnh, nhất là ở vùng nông thôn còn thiếu sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên; chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác dân số, trẻ em ở cấp xã chưa thỏa đáng; nhận thức về XHTDTE của một phận người lớn còn yếu; các vụ việc XHTDTE chưa được xử lý đến nơi đến chốn…

“Nguy cơ bị XHTD có thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào, cả bé trai lẫn bé gái. Trẻ có thể bị xâm hại ngay dưới mái trường, tại cộng đồng dân cư, nơi công cộng, thậm chí trong chính ngôi nhà của mình. Để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay, đây không phải bổn phận của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cả xã hội. Đặc biệt khi phát hiện con em mình bị xâm hại, không nên im lặng mà cần trình báo ngay với các cơ quan chức năng và đưa trẻ đến các địa chỉ để được tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý...”, bà Trần Yến Hòa - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), cho biết.

Một trong nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm XHTDTE là do tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều gia đình vì mải mê làm ăn mà thiếu sự quan tâm, chăm sóc dẫn đến các em dễ bị đối tượng xấu dụ dỗ, lợi dụng để xâm hại. Bên cạnh đó là sự xuống cấp về đạo đức, do ảnh hưởng của văn hóa phẩm đồi trụy…, vì vậy ngành chức năng cần có giải pháp thiết thực hơn nữa, tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, nhất là tăng cường giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em. Đồng thời, cần đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Phụ huynh phải thường xuyên trao đổi tâm tư, tình cảm, sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống nguy hiểm và cách tự bảo vệ mình, bởi một khi đã là nạn nhân của “yêu râu xanh” thì mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ cũng chỉ là giải pháp xử lý tình huống tạm thời, không thể nào giải quyết triệt để vấn đề!

Thùy Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.