Thủy chung với nghề truyền thống!

Thứ Hai, 10/12/2018 | 16:15

Huyện Hồng Dân là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như: nghề mộc ở xã Ninh Hòa; rèn, dệt chiếu, làm bánh tráng ở thị trấn Ngan Dừa; đan đát ở xã Ninh Thạnh Lợi; chằm lá ở xã Vĩnh Lộc… Trải qua bao thăng trầm, nhiều làng nghề dần mai một, song có người vẫn kiên trì bám trụ với nghề truyền thống của địa phương.

Nghề rèn ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân).

Bà Trần Thị Hương dệt chiếu thủ công. Ảnh: T.Q

Đối với người làng nghề huyện Hồng Dân, nghề truyền thống của cha ông để lại gần như trở thành máu thịt, thấm sâu vào nhiều thế hệ.

Nghề rèn đã có cả trăm năm, được truyền qua nhiều thế hệ, và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay. Quy trình rèn dao có rất nhiều công đoạn như: thổi bể khí, tôi, đập. Khi sản phẩm thành hình thì chuyển qua khâu gia công bào gọt, mài giũa, làm chuôi, tra cán. Mỗi lò rèn cho ra đời từ 10 - 20 sản phẩm/ngày với các loại dao yếm, dao phay, dao bào, kéo, phảng...

Ông Nguyễn Văn Ơn (59 tuổi, ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa) được xem là “lão làng” của nghề rèn với hơn 40 năm làm nghề. Ông Ơn chia sẻ: "Từ nhỏ tôi và các anh em trong nhà đã quen thuộc với những bếp lò luôn rực lửa, tiếng búa đinh tai mỗi ngày. Lớn lên, chúng tôi đều nối nghiệp cha ông. Tuy nhiên, gần đây do nghề rèn không còn hưng thịnh, các anh em đều bỏ nghề vì quá cực nhọc, thu nhập lại bấp bênh. Bây giờ chỉ còn mình tôi bám trụ với nghề. Cũng may là vẫn còn nhiều người ưa chuộng hàng thủ công, cho nên tôi cũng có việc làm, thu nhập đều đặn”.

Ngày nay, thị trường nông cụ đa dạng với sự xuất hiện nhiều sản phẩm nhập khẩu hoặc được sản xuất bằng máy móc hiện đại. Song, với  nguyên tắc là tôn trọng chữ tín với khách hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm nên các lò rèn ở thị trấn Ngan Dừa vẫn tồn tại và phát triển. Nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh vẫn sử dụng những sản phẩm của làng nghề.

Nghề dệt chiếu cũng có mặt ở huyện Hồng Dân hàng trăm năm qua, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mặc  dù ngày nay các loại chiếu nhựa, chiếu tre... dần thay thế chiếu dệt truyền thống, nhưng không vì thế mà những cái chiếu lác của Hồng Dân biến mất. Nhiều người làng nghề vẫn bám trụ, kiên trì tạo ra những chiếc chiếu thủ công đẹp, bền gắn liền với văn hóa địa phương.

Bà Trần Thị Hương (ngụ ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa) - người hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt chiếu, cho biết: “Gia đình tôi có 3 thế hệ gắn bó với nghề dệt chiếu. Mặc dù nhà có mua máy dệt nhưng tôi vẫn dệt chiếu theo kiểu thủ công để có chiếc chiếu đẹp, bền, chất lượng đến tay người tiêu dùng”. Ấp Thống Nhất hiện còn 59 hộ làm nghề dệt chiếu. Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng ổn định, giúp nhiều hộ sinh sống và nuôi dạy con cái trưởng thành.

Trong thời đại công nghiệp, các sản phẩm thủ công của làng nghề tuy chất lượng nhưng việc tiêu thụ khá chật vật. Hầu hết lớp thanh niên kế thừa không mặn mà với nghề cha truyền con nối, họ muốn ly hương tìm một nghề khác có thu nhập cao hơn.

Dù đối diện với muôn vàn khó khăn, song với lòng yêu nghề, những người như ông Ơn, bà Hương đã giúp làng nghề truyền thống tồn tại, đứng vững, góp phần đưa sản phẩm của làng nghề đi xa hơn.

TÚ QUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.