Người Khmer cùng vui đón tết Nguyên đán

Thứ Hai, 05/02/2024 | 16:09

Khmer là dân tộc có nhiều lễ hội truyền thống, nhiều nghi lễ, tín ngưỡng riêng. Thế nhưng tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt từ bao đời nay cũng được đồng bào Khmer đón nhận và xem như một lễ hội truyền thống quan trọng trong năm. Hòa trong không khí vui xuân của người dân trong cả nước nói chung, đồng bào Khmer Bạc Liêu đang chào đón một cái tết Giáp Thìn với nhiều ước nguyện tốt đẹp cho năm mới.

Đồng bào Khmer xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) chỉnh trang nhà cửa đón tết Nguyên đán. Ảnh: T.Q

Cùng nhau vui Xuân, đón Tết

Những ngày này đến với ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng đón tết Nguyên đán của đồng bào Khmer nơi đây. Họ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, chăm sóc hoa kiểng, thậm chí có nhà còn làm dưa cải, dưa kiệu, gói bánh tét, kho thịt, phơi cá khô và nhiều thứ bánh để cúng Phật, cúng ông bà, đãi khách... “Dù là Tết truyền thống của người Việt nhưng bao năm qua, đồng bào Khmer chúng tôi đều xem tết Nguyên đán là cái tết quan trọng. Qua ngày 28 tháng Chạp, 3 đứa con của tôi đi làm ăn xa sẽ được nghỉ Tết, về quê. Vợ chồng tôi đã chuẩn bị các loại tôm, cá khô, bánh mứt, dọn dẹp nhà cửa để các cháu về vui Tết cùng gia đình, thắp hương ông bà, tổ tiên và chúc Tết họ hàng, láng giềng”, ông Sơn Vinh (ấp Vĩnh Lộc) cho biết.

Nhiều hộ dân tộc Khmer tại khóm Nhà Mát, khóm Bờ Tây (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) ngay từ đầu tháng Chạp đã bắt đầu làm mứt, xẻ cá phơi khô, làm tôm chao… để chuẩn bị cho năm mới. Qua ngày 25 tháng Chạp, khi người thân đi làm ăn xa về là họ cùng nhau vui đón tết Nguyên đán. Như trường hợp của anh Trương Danh (khóm Bờ Tây), sau chuyến ra khơi dài ngày trên biển, tàu vào bờ vào dịp cận tết Nguyên đán, cùng với những phần quà được chủ tàu tặng, anh còn tranh thủ mua vài bộ quần áo mới cho vợ con và bản thân để gia đình du xuân, đi lễ chùa…

Giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Đón Tết Việt, đồng bào dân tộc Khmer vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngày đầu xuân, mọi người lại đến chùa lễ Phật, nghe kinh, cầu an, xin lộc. Ngoài tổ chức gói bánh tét, nhiều bà con còn làm bánh gừng - món bánh đặc trưng của dân tộc Khmer để tặng nhau...

“Hầu hết người Khmer ở đây đều ăn tết Nguyên đán chung với người Kinh. Chúng tôi vẫn cúng ông bà, tổ tiên và đón Giao thừa. Ngày đầu năm, mọi người cũng gặp gỡ, chúc Tết lẫn nhau và cùng cầu mong mọi điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến trong năm mới. Trong những ngày Tết, một số chùa Khmer còn tổ chức các hoạt động văn nghệ để chúng tôi vui chơi giúp cho không khí Tết thêm rộn ràng”, anh Ngọc Quyên (ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), chia sẻ.

Do kỳ nghỉ Tết diễn ra dài ngày nên nhiều gia đình Khmer cũng chọn thời điểm này để “dựng vợ gả chồng” cho con. Thực tế, tết Nguyên đán là lúc họ có đủ thời gian và tranh thủ được các khoản lương, thưởng sau cả năm lao động miệt mài. Các gia đình Khmer có thêm nàng dâu hay chàng rể trong năm mới cũng giúp cho niềm vui nhân lên gấp bội, mùa xuân của họ cũng càng thêm ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Với phương châm để mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, các địa phương trong tỉnh đã và đang vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhiều phần quà giúp người nghèo, trong đó có đồng bào Khmer nghèo để mọi người có điều kiện đón Tết ấm cúng, đủ đầy.

Cùng với các dân tộc anh em, đồng bào Khmer đang cùng nhau đón một cái Tết an vui, an toàn, ấm cúng. Các ngôi chùa Khmer những ngày qua cũng đang gấp rút tu sửa, chỉnh trang, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ để đón người dân, du khách đến du xuân, cùng hòa mình vào niềm vui Tết Việt.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.