Làng nghề tất bật khi xuân về

Thứ Sáu, 18/01/2019 | 16:33

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, các làng nghề truyền thống vẫn tồn tại. Cuối năm là thời điểm người dân tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh lại tất bật với công việc để làm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Trương Mỹ Hạnh dệt chiếu.

Lao động tại các lò rèn ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân).

Xã viên HTX Trúc Xanh đang gấp rút hoàn thành sản phẩm để giao cho khách. Ảnh: C.L

Những ngày này, không khí lao động của bà con làng nghề ở huyện Hồng Dân khá nhộn nhịp. Tại ấp Thống Nhất (thị trấn Ngan Dừa), những người thợ dệt chiếu đang miệt mài bên khung cửi. Qua bàn tay khéo léo của họ, những sợi lác thô kệch được kết thành những sản phẩm chiếu hoa với những họa tiết mang giá trị văn hóa truyền thống. Chị Trương Mỹ Hạnh, thợ dệt chiếu, chia sẻ: “Tết là thời điểm mà khách hàng đặt mua chiếu với số lượng lớn. Chúng tôi đang tranh thủ làm ngày làm đêm để kịp giao sản phẩm cho khách”.

Để phục vụ thị trường Tết Kỷ Hợi 2019, bà con làng nghề dệt chiếu phải chuẩn bị trước một tháng để tìm mua nguyên liệu, chẻ lác, phơi lác, nhuộm lác và dệt chiếu. Hiện nay, giá mỗi cặp chiếu đặt hàng từ 150.000 - 250.000 đồng (tùy loại), còn các loại chiếu “bình dân” có giá từ 90.000 - 120.000 đồng/cặp. Nghề dệt truyền thống đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Nằm đan xen giữa các hộ làm nghề dệt chiếu là các lò rèn cũng không kém phần nhộn nhịp. Những ngày cận tết, thợ rèn hối hả làm việc để kịp cho ra sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Ông Quách Văn Hây, một nghệ nhân làng rèn Ngan Dừa phấn khởi nói: “Mới bước qua đầu tháng Chạp khách hàng đã đến lò rèn của tôi để đặt làm rất nhiều dao. Vì vậy, các thành viên trong gia đình phải làm việc cật lực mới đủ số lượng giao cho khách. Tuy có cực nhưng bù lại thu nhập cũng tăng lên nên ai cũng vui”.

Theo các nghệ nhân, sản phẩm từ nghề rèn, nghề dệt ở thị trấn Ngan Dừa ngày càng thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh nên tiêu thụ mạnh, mang lại thu nhập ổn định cho người làm nghề.

Còn với làng nghề đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), mặc dù chỉ còn vài chục hộ duy trì, nhưng mỗi khi vào dịp tết, người dân nơi đây lại tất bật đan những chiếc cần xé, rổ… Theo chị Trần Thị Hồng Xuyên, Giám đốc Hợp tác xã Trúc Xanh: “Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng người dân vẫn gắn bó với nghề. Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên bà con giữ gìn và phát huy nghề truyền thống”.

Những năm qua, để khôi phục và phát triển làng nghề, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ như đầu tư máy móc, xây dựng hạ tầng, đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề, quảng bá thương hiệu gắn với kinh doanh du lịch… Nhờ đó, các tuyến đường giao thông dẫn vào các làng nghề được bê- tông hóa, nhựa hóa; hệ thống điện, nước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống người dân.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.