Không chủ quan, lơ là với bệnh dại

Thứ Hai, 01/04/2024 | 16:31

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận hàng chục trường hợp mắc bệnh dại và tử vong sau khi bị chó, mèo cắn. Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất, vì vậy, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin phòng dại định kỳ cho chó, mèo và cần đến ngay cơ sở y tế khi bị cắn, cào.

Nỗi lo từ chó thả rông

Tình trạng chó thả rông ngoài đường vẫn diễn ra phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Tuy nhiên, khi tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo thường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh, đặc biệt là bệnh dại khi không may bị chúng cắn.

Tại các khu dân cư, mỗi buổi sáng sớm, hay tối muộn dễ dàng bắt gặp nhiều con chó chạy lang thang đùa giỡn, đi vệ sinh mà không được rọ mõm hay có người dắt. Trong khi đó, ở các khu dân cư người đi lại rất đông, trẻ em thường hay ra sân vui đùa nếu không may bị chó cắn, nhất là chó bị mắc bệnh dại cắn thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng các em.

Thời gian gần đây, khi ra đường sẽ gặp nhiều người thản nhiên chở chó mèo không rọ mõm, không dây xích lưu thông trên đường đông đúc. Mỗi khi dừng xe khi có tín hiệu đèn đỏ, một số con còn sủa ầm ĩ. Đó là chưa kể, những yếu tố như người đông, tiếng ồn, tiếng còi xe... dễ khiến những con vật ấy bị tác động, kích thích và chúng có thể lao xuống đường bất cứ lúc nào.

Bên cạnh chó, mèo thả rông thì chó, mèo nuôi trong nhà nhưng không cột, nhốt hay rọ mõm cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa, một khi đã mắc bệnh dại thì kể cả chủ nhà cũng có thể trở thành nạn nhân của chúng.

Chó không rọ mõm thả rông trên đường. Ảnh: T.Q

Chủ động phòng, chống bệnh dại ở vật nuôi

Nhằm chủ động phòng chó mắc bệnh dại cắn người, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai khẩn cấp các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực có nguy cơ cao; tổ chức rà soát, thống kê số hộ nuôi chó, mèo và yêu cầu cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo. Đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi có trách nhiệm thực hiện quy định quản lý chó, không để chó chạy rông, không rọ mõm khi đưa chó ra ngoài và những chế tài xử phạt khi người dân để vật nuôi phát sinh bệnh dại cắn người gây thương tích.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay số lượng vật nuôi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đàn chó, mèo tương đối lớn (gần 40.000 con). Những năm gần đây tình hình bệnh dại được kiểm soát tốt nhờ thực hiện việc triển khai tiêm vắc-xin trên đàn chó đạt tỷ lệ hơn 70%. Thời điểm này, đơn vị cũng đang đẩy nhanh công tác tiêm vắc-xin phòng dại đợt 1 cho đàn chó góp phần chặn đứng nguy cơ phát sinh bệnh dại ở vật nuôi trên địa bàn. Dự kiến trong năm 2024, sẽ tiêm trên 30.000 liều vắc-xin  ngừa bệnh dại cho chó, mèo.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những năm gần đây, trường hợp người bị chó, mèo cắn phải tiêm ngừa thì nhiều song chưa phát hiện trường nào hợp bị chó dại cắn dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Khi nhiễm vi-rút dại và lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị chó, mèo dại cắn là tiêm vắc-xin dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt.

Hơn hết, để có thể bảo vệ mình, những người thân trong gia đình và cả những người xung quanh, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi, xích nhốt, không thả động vật chạy rông và đeo rọ mõm khi ra đường. Thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.