Khai thác đất mặt ruộng, bờ bao: Lợi bất cập hại

Thứ Tư, 03/04/2024 | 14:22

Dù các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã khuyến cáo nhiều về những hệ lụy của việc khai thác đất mặt ruộng, bờ bao ở các tuyến kênh nội đồng, thế nhưng vẫn không ít nông dân “phớt lờ” vì lợi ích trước mắt mà khai thác và bán đất mặt ruộng.

Một phương tiện cơ giới khai thác đất bờ bao dọc theo tuyến kênh nội đồng trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: P.V

Nhiều hệ lụy

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua tại một số cánh đồng trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, tình trạng khai thác đất mặt ruộng và đất bờ bao quanh các tuyến kênh nội đồng diễn ra khá phổ biến. Mỗi chỗ khai thác đất thường chia thành các nhóm nhỏ từ 4 - 5 người, trong đó, cử ra 1 người lái xe công nông vận chuyển đất về nơi tập kết, hoặc chở đến tận nơi giao cho các hộ đặt mua để lấp nền nhà, ao, mương…

Việc khai thác đất mặt ruộng diễn ra công khai, nằm liền kề với các trục đường chính liên ấp, liên xã. Thậm chí, ở một số khu vực nằm sâu trong nội đồng, việc khai thác đất mặt ruộng còn diễn ra phổ biến hơn với công cụ hỗ trợ là các phương tiện cơ giới và sử dụng các sà lan cỡ nhỏ để khai thác đất bờ bao, dọc theo các tuyến kênh nội đồng. Tùy nơi và lớp đất sâu cạn, sẽ lấy khoảng từ 5 - 10cm đất mặt, ruộng cao hơn sẽ lấy sâu hơn. Với mức giá bán từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/công, việc bán đất mặt ruộng tưởng chừng sẽ mang lại thêm nguồn thu nhập cho chủ ruộng, thế nhưng nếu xét về lâu dài thì lại mất nhiều hơn.

Lý giải về việc khai thác đất mặt ruộng và bờ bao kênh xáng, một số nông dân cho biết, do ruộng gò cao nên chuột phá hại mùa màng, không giữ được nước nên việc sản xuất lúa gặp khó. Bán lớp đất mặt không chỉ giúp trồng lúa thuận lợi, tránh trường hợp bị cỏ dại và đỡ tốn kém chi phí bơm nước mà chủ ruộng còn có thêm thu nhập.

Song trên thực tế, tại những nơi bị đào lớp đất mặt thì năng suất những vụ lúa tiếp theo thường không cao, lúa dễ bị đổ ngã do nền đất mềm, phải bón phân nhiều nên chi phí cuối vụ tăng cao so với trước. Lấy đất mặt cũng đồng nghĩa lấy đi độ phì nhiêu, màu mỡ được tích tụ qua nhiều năm trên đất, từ đó sẽ phát sinh việc xì phèn khiến cho cây lúa những vụ tiếp theo chậm phát triển, ngộ độc hữu cơ. Ngoài ra, những thửa đất bị lấy đất mặt sau này canh tác không tốt, ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và phải mất ít nhất 5 - 7 năm mới phục hồi lại chất dinh dưỡng cho mặt ruộng.

Cần kịp thời chấn chỉnh

Theo ngành chức năng, đất mặt ruộng là tài nguyên, muốn khai thác phải làm thủ tục và đóng thuế. Hiện tượng khai thác này gây nhiều lãng phí, tác động xấu đến mùa màng sau này, rất đáng báo động, có thể ảnh hưởng đến năng suất lúa của cả một cánh đồng rộng lớn. Từ thực tế khai thác đất mặt ruộng, bờ bao rầm rộ những ngày qua, các địa phương cần tổ chức họp dân đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đang hoạt động khai thác đất mặt, đất ruộng để tuyên truyền vận động, ký cam kết. Mục tiêu là làm cho người dân hiểu được các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh đất mặt, đất ruộng là hành vi vi phạm pháp luật. Nội dung tuyên truyền theo các điều, khoản của Luật Khoáng sản và Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, đất mặt trên đồng ruộng là tài nguyên khoáng sản, không được tự ý vận chuyển đi nơi khác nhằm vào các mục đích cho tặng hay kinh doanh.

Tùy theo khối lượng khoáng sản được khai thác, được tính bằng mét khối theo quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất là 1 triệu đồng đến mức cao nhất là 50 triệu đồng và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung. Nông dân có thể lấy 1/3, giúp hạ thấp độ cao mặt đất ruộng theo nhu cầu cải tạo ruộng lúa, đồng thời vẫn còn giữ lại một phần chất hữu cơ trong đất. Trong điều kiện đất không bằng phẳng thì có thể tập trung lấy đất ở những nơi gò cao, mục đích tạo cho mặt bằng tốt hơn. Việc làm này tuy tốn nhiều thời gian và công sức nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cho vụ lúa tiếp theo.

Có thể thấy, tình trạng khai thác trái phép này không những gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sản xuất nông nghiệp. Ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật cho người dân hiểu rõ để thực hiện đúng theo quy định, khuyến cáo của ngành chức năng. Đồng thời, cần phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác đất trái phép; cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

P.V

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.