Chợ truyền thống “lóng ngóng” chờ người mua dịp Tết

Thứ Sáu, 26/01/2024 | 16:51

Trái ngược với cảnh mua sắm nhộn nhịp ở chợ Tết mọi năm, năm nay, dù Tết đã cận kề, nhưng sức mua ở các chợ truyền thống vẫn khá đìu hiu, tiểu thương nóng lòng đợi khách.

Tiểu thương chợ Phước Long sẵn sàng hàng Tết chờ người đến mua. Ảnh: T.Q

Sức mua chậm

Tham quan một vòng chợ truyền thống lớn ở TP. Bạc Liêu như chợ Bạc Liêu,  chợ Phường 1, chợ Phường 2, chợ nông sản, thực phẩm… vào thời điểm này, nhiều ki-ốt bán bánh kẹo, giày dép, thực phẩm… đã trưng bày hàng hóa khá nhiều phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, song hoạt động mua bán vẫn diễn ra trầm lắng.

Chợ vắng, tiểu thương các chợ chủ yếu ngồi lướt điện thoại, nói chuyện phiếm, mỗi quầy chỉ có 1 - 2 người trông hàng, chủ tiệm, quầy hàng không thuê thêm nhân viên. “Lượng quần áo bán ra giảm hơn 50% so với dịp Tết năm trước. Hy vọng sát Tết sức mua sẽ khởi sắc hơn, chứ vắng khách như vầy thì tiểu thương hết sức khó khăn”, một chủ shop quần áo thời trang ở chợ Bạc Liêu than thở.

Cùng chung cảnh mua bán ế ẩm, chị Ái Nhi - tiểu thương bán tạp hóa ở chợ Bạc Liêu cũng lắc đầu ngao ngán cho biết, mỗi ngày chị mở cửa từ sáng sớm đến 10 giờ trưa mới có lác đác vài người khách, sau đó thì ngồi trông đợi khách từ đó đến chiều tối. Nguyên năm buôn bán ế ẩm chỉ trông chờ vào vụ Tết, vậy mà lượng hàng bán ra chỉ nhỉnh hơn ngày thường chút ít, người mua chủ yếu là khách quen.

Không riêng chợ truyền thống ở TP. Bạc Liêu, sức mua ở các chợ truyền thống thuộc các huyện, thị xã trong tỉnh cũng èo uột không kém. Tại chợ Phước Long, những năm trước vào thời điểm này lượng người bán, người mua nhộn nhịp, sôi nổi, mọi người phải chen chúc vất vả mới mua được hàng, vậy mà năm nay, không khí mua sắm Tết ảm đạm không ngờ. Bà Kim Hai - chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Phước Long, rầu rĩ nói: “Cứ nghĩ qua dịch bệnh COVID-19 thì sức mua sẽ tăng trở lại, nào ngờ vắng vẻ đáng sợ. Tết năm nay giá hàng hóa không tăng nhưng sức mua hàng vẫn rất hạn chế. Do đó để tránh bị ôm hàng, tôi không dám dự trữ nhiều vì nhiều mặt hàng mang tính thời vụ, hạn sử dụng ngắn, hoặc sau Tết sẽ rất khó bán nên tôi nhập về số lượng phù hợp với nhu cầu thị trường”.

Hy vọng sức mua sẽ tăng

Theo các tiểu thương, tình hình năm nay kinh tế khó khăn nên người dân mua sắm cầm chừng. Bên cạnh đó, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, khuyến mại sâu, giao hàng tận nơi đã góp phần đẩy chợ truyền thống vào cảnh ảm đạm. Nhằm cải thiện lượng khách mua hàng, nhiều tiểu thương ngoài bán trực tiếp cũng tranh thủ bán hàng trên mạng, đăng hình ảnh lên Zalo, Facebook, các trang chợ online… nhưng người mua cũng không “mặn mà”. Lượng khách ít, hàng tồn kho nhiều, khiến nhiều tiểu thương dè dặt không dám nhập nhiều hàng bán Tết.

Theo các tiểu thương, việc mua bán ế ẩm là do kinh tế của người dân gặp khó khăn, mặt khác, còn do sự cạnh tranh của các chợ “chồm hổm”, “chợ cóc” mọc lên san sát, người mua chỉ cần ghé ngang qua, không cần dựng chống xe là hàng hóa đã được trao tận tay. Ngoài ra, đối với một số chợ truyền thống, khách hàng vừa phải đi xa, vừa phải mất phí gửi xe, lại phải lòng vòng nhiều nơi nhiều chỗ mới tìm được những hàng hóa cần mua nên người dân, nhất là người trẻ không còn mặn mà mua sắm ở kênh truyền thống.

Thấp thỏm chờ sức mua Tết là tình hình chung của tất cả các chợ truyền thống hiện nay. Các tiểu thương hy vọng, vài ngày nữa - khi số lượng lớn lao động ngoài tỉnh về quê ăn Tết, cộng thêm tâm lý chờ đến cận Tết mới mua hàng của người dân thì sức mua sẽ khởi sắc hơn.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.