Câu chuyện tòa án

Trang nghiêm chốn pháp đình

Thứ Sáu, 30/05/2014 | 15:36

Nói đến tòa án là nói đến sự nghiêm trang, bởi đó là nơi đại diện cho Nhà nước thực thi công lý, để pháp luật được áp dụng đến với nhiều người. Vậy nên, tính trang nghiêm ở chốn pháp đình hết sức quan trọng, nó là hình ảnh, là bộ mặt của tòa án mà thông qua đó còn có tác dụng răn đe…

Bản thân tôi luôn có một cảm giác kỳ lạ, mỗi khi xuất hiện ở tòa án dù mình chỉ là một người bàng quan đến để dự khán. Và tôi cũng chứng kiến không ít lần, những đương sự, những bị cáo trước tòa vì run rẩy, sợ hãi mà không nói nên lời... Nhiều người đùa nhau, vì ở đó có vị thần công lý án ngữ nên rất có uy, rất đáng sợ, không cần làm gì, chỉ cần bước chân vào phòng xét xử là đã thấy… lạnh sống lưng.

Việc vị thần công lý có hiện diện ở đâu đó hay không thì chưa rõ, nhưng chắc chắn, chốn công đường không phải là nơi mà người ta thích đến. Và để tạo được một không khí trang nghiêm như thế, đó chính là những quy định hết sức nghiêm ngặt ở tòa. Tính nghiêm minh của phiên tòa được thể hiện thông qua các yếu tố như biểu tượng công lý, khẩu hiệu, trang phục, cách tổ chức, thái độ, phong cách của những người được coi là đại diện công lý.

Một thẩm phán đang công tác tại một Tòa án cấp huyện đã có lần nói với tôi, chị không hài lòng trước cách ăn mặc không thống nhất của Hội đồng xét xử cấp huyện nơi mình công tác. Không hiếm trường hợp, xuất hiện ở vai trò Hội đồng xét xử, nhưng các vị quan tòa lại ăn mặc không thống nhất nhau, người thì mặc đồng phục ngành, kẻ lại không (Hội thẩm nhân dân), rồi người thì thắt cà-vạt chỉnh tề, người lại không… Sự không đồng nhất, chuệch choạc này khiến phiên tòa dường như mất đi vẻ trang nghiêm. Trang phục, tuy chỉ là biểu hiện hình thức, nhưng ở chốn công đường, nó còn có vai trò khác, đó là tạo tính trang nghiêm cho phiên tòa. Trang phục của các thành viên Hội đồng xét xử hiện nay rất đa dạng, nhất là đối với đội ngũ Hội thẩm nhân dân. Bên cạnh đó, các luật sư tham dự phiên tòa cũng ăn mặc rất tùy tiện, người mặc áo vét, người mặc áo sơ-mi, người mặc áo tay dài, người mặc váy…

Ngôn ngữ trong các phiên tòa cũng là vấn đề phiền lòng, nếu ai đó thật sự mong muốn, công đường là nơi thực thi công lý. Tôi cũng không ít lần chứng kiến, trước tòa, các Hội thẩm nhân dân, thậm chí một vài thẩm phán cũng hỏi bị cáo, người bị hại những câu hỏi kiểu gây cười, nhưng ở chốn pháp đình, những câu đại loại như thế thật sự phản cảm. Những câu “vặn” bị cáo theo kiểu: “Biết sai chưa, biết sai rồi hả? Ủa, biết sai rồi sao còn làm…” khiến bị cáo càng thêm bối rối. Thậm chí, nhiều khi Hội đồng xét xử hỏi mà khiến cả hội trường cười rần rần vì câu hỏi, thật sự chẳng nên có ở một phiên tòa, đặc biệt là các phiên tòa hình sự. Nơi không chỉ xét xử công khai mà còn thực hiện cả chức năng tuyên truyền, giáo dục, răn đe phòng ngừa tội phạm.

Nhiều người thường tự đặt câu hỏi, vì lý do gì mà những thẩm phán làm công tác xét xử khi ra tòa đều có gương mặt… lạnh như tiền, dường như chẳng có lấy một cảm xúc. Và câu trả lời của các thẩm phán là, có được bộ mặt nghiêm nghị như thế phải qua một quá trình huấn luyện chứ không tự nhiên mà có. Giấu cảm xúc của mình đôi lúc thật ức chế, nhưng nếu không làm thế thì phiên tòa sẽ không còn trang nghiêm.

Cũng phải, nếu quan tòa ra chốn công đường mà vui cùng với niềm vui của người, khóc cùng nỗi đau của người thì bản án tuyên sao khách quan, công bằng cho được.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.