Bạc Liêu tình đất - tình người

Đất và người Bạc Liêu trong cảm nhận của những văn nghệ sĩ Kinh Bắc

Thứ Sáu, 30/11/2012 | 15:08

Là những người con Kinh Bắc lần đầu tiên đến với Bạc Liêu, nhưng ấn tượng khó phai về một vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử với những con người hào sảng, mến khách đã làm cho vùng đất cực Nam xa xôi của Tổ quốc nay bỗng hóa ra gần…

Chỉ một tuần ngắn ngủi lưu lại Bạc Liêu, nhưng quỹ thời gian kia đã bị “chia năm xẻ bảy” cho những buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực sáng tác văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số như: âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, văn học, thơ ca… nên các văn nghệ sĩ Kinh Bắc chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” một vài di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu như khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Vườn chim Bạc Liêu... Đến đâu họ cũng ngỡ ngàng trước sự trù phú và phát triển vượt bậc của một thành phố trẻ ven biển tuy yên bình nhưng cũng đầy năng động.

Các văn nghệ sĩ tham quan bộ sưu tập chum và cối đá tai nhà vườn Chí Tôn. Ảnh: K.C

Khi đứng trên đê biển Nhà Mát, những văn nghệ sĩ miền Bắc cứ trầm trồ, xuýt xoa trước bức tranh của tạo hóa. Vẻ đẹp hài hòa, hùng vĩ của tự nhiên được bàn tay con người “nhào nặn”, điểm xuyết thêm những đường nét mới tạo nên một công trình tuyệt tác. Phía trước là nhà hàng Hương Biển bốn bề lộng gió; bên trái là khu Quán âm Phật đài với tượng Phật bà Nam Hải uy nghiêm, sừng sững cùng tuế nguyệt; bên phải là khu du lịch Nhà Mát đang dần được định hình…

Dừng chân tại vườn nhãn cổ có tuổi thọ trên 100 năm, các văn nghệ sĩ miền Bắc càng ngạc nhiên hơn khi được biết những gốc nhãn này đều nằm trong đề án “Bảo tồn nhãn cổ Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch”. Họ cho rằng, đây là cách hành xử có văn hóa của những con người biết trân trọng lịch sử. Và các văn nghệ sĩ miền Bắc đã không giấu được vẻ thích thú khi đến tham quan cây xoài 300 năm tuổi. “Đất Bạc Liêu không chỉ có khí hậu ôn hòa, con người dịu dàng, mến khách, mà còn sở hữu rất nhiều vốn quý về văn hóa, lịch sử và có lẽ cây xoài này chính là chứng tích cho lịch sử khẩn hoang của Bạc Liêu…” - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mã Thế Anh (Hà Nội) đã không tiếc lời khen.

Chùa Xiêm Cán với nét kiến trúc cổ kính mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer như một minh chứng sống trong đời sống cộng cư của ba dân tộc anh em trên vùng đất nghĩa tình này. Những cánh quạt khổng lồ vươn cao đón gió, “thuần hóa” những cơn gió biển “bất trị” thành nguồn năng lượng sạch phục vụ con người và trong tương lai không xa nữa, dự án này sẽ là một biểu tượng không thể bỏ qua khi Bạc Liêu quảng bá những tiềm năng về du lịch. Tất cả như bức tranh tổng hòa làm nên một Bạc Liêu đầy ấn tượng trong cảm nhận của họ.

Rời thành phố, các văn nghệ sĩ tiếp tục chặng hành trình tham quan tại nhà vườn Chí Tôn (ấp Chùa Phật, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Đó là một khu nhà rường gỗ ba gian truyền thống của người dân Nam bộ với nhiều cổ vật quý hiếm thuộc nhiều nền văn hóa, đã được gia chủ dày công sưu tầm gần 7 năm nay bằng cả sự đam mê và khát khao gìn giữ những giá trị văn hóa cổ xưa cho hậu bối. “Chúng tôi thật sự bất ngờ và xúc động khi được đưa đến nơi này. Khi xã hội ngày càng phát triển, những cái xưa cũ sẽ mất dần theo thời gian nhưng gia chủ đã đổ tiền tỷ và tâm sức để sưu tập, bảo tồn những vốn quý ấy - là điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Qua việc tái hiện lại một không gian Nam bộ xưa với những chiếc cối đá, con thuyền độc mộc, nọc cấy, cộ trâu… đã khắc họa thật rõ nét những phong tục, tập quán của vùng đất bằng tình yêu quê hương mãnh liệt và khối óc, trí tuệ của một “công tử Bạc Liêu” thời hiện đại biết trân trọng, yêu quý văn hóa, lịch sử…” - nhà thơ Y Phương (Cao Bằng) bày tỏ. Còn Nhà văn Cao Duy Sơn (Hà Nội) thì cho rằng: “Văn nghệ sĩ là những người khác hơn người bình thường bởi sự yêu đời, sự trân trọng, yêu quý đối với cái đẹp của cuộc sống. Theo tôi, anh Chí Tôn không chỉ là một doanh nhân mà còn là một văn nghệ sĩ bởi dám bỏ ra số tiền lớn để “mua” cái đẹp và đầu tư vào một cuộc chơi có giá trị hàng chục, hàng trăm năm đối với hậu thế”.

Bữa cơm thân tình “cây nhà lá vườn” đậm chất miền Tây với bánh xèo, cá lóc nướng trui, thịt ba rọi luộc chấm tép chao… Các loại rau ăn kèm với bánh xèo khiến những thực khách miền Bắc không ngớt trầm trồ vì sự phong phú của ẩm thực miền Nam: lá lụa, lá sung, lá xoài, lá mít non, đọt đinh lăng… Càng thú vị hơn khi tất thảy những nguyên liệu để chế biến các món ăn trên đều được trồng, được nuôi bằng chính sức lao động của gia chủ nên lại càng đáng quý và ý nghĩa.

Bạc Liêu thật sự là một miền đất hứa của những văn nghệ sĩ Kinh Bắc, bởi vùng đất và con người nơi đây đã khơi gợi nên trong họ những nguồn cảm hứng vô tận. Bịn rịn và đầy quyến luyến, họ từ giã Bạc Liêu trước khi đã kịp lưu vào hàng trang những bức ảnh kỷ niệm và khắc sâu vào tâm thức…

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.