Y tế - Sức khỏe
Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Điều trị trẻ bị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa TX. Giá Rai. Ảnh: C.K
Trẻ bị sốt xuất huyết (SXH) nếu không được phát hiện kịp thời, hoặc điều trị sai cách sẽ dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để bảo vệ trẻ khỏi SXH, các bậc cha mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về bệnh này.
Nhận biết sớm trẻ bị sốt xuất huyết
Sốt cao liên tục là triệu chứng phát bệnh ban đầu của SXH nhưng rất dễ gây nhầm lẫn thành sốt siêu vi hoặc sốt phát ban. Để xác định chính xác bệnh, nên theo dõi ít nhất 3 ngày đầu kể từ ngày khởi phát.
- Bệnh khởi phát ngày đầu tiên: Trẻ đang khỏe mạnh tự dưng bị sốt cao đột ngột và liên tục, mặt đỏ, cổ họng đỏ nhưng không đau.
- Ngày thứ 2: Trẻ vẫn tiếp tục bị sốt cao liên tục, khó hạ sốt. Dùng thuốc hạ sốt, nhiệt độ chỉ hạ xuống một chút rồi lại tăng lên. Lúc này, để biết chắc hơn hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên da ở phần bụng, tay chân, cổ, mí mắt.
- Ngày thứ 3: Dấu hiệu xuất huyết trên da rõ ràng hơn. Bé vẫn còn sốt cao kèm theo triệu chứng xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Đôi khi bị nôn ói, đau bụng (thường là đau phần rốn hoặc bên phải rốn).
Khi nào nên đưa trẻ đi viện?
Với những trẻ bị SXH nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi điều trị cho bé tại nhà. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 trở đi, cần đặc biệt theo dõi kỹ để phát hiện các triệu chứng tiền sốc. Lập tức đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu sau: Trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, vật vã, đau bụng dữ dội, tay chân lạnh, da trở nên tím tái…
Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
- Bổ sung nước cho cơ thể: Khi bị sốt, cơ thể bé sẽ bị mất nước kèm với những triệu chứng mệt mỏi, ăn kém càng làm cho trẻ trở nên thiếu nước hơn. Vì vậy, cần khuyến khích bé uống thật nhiều nước. Trẻ dưới 5 tuổi uống khoảng 500 - 1.500ml nước, trẻ trên 5 tuổi uống 2.000 - 2.500ml nước trong ngày. Không bắt buộc phải uống nước lọc, có thể cho bé uống nhiều loại như nước cam, nước dừa, nước chanh, nước ép trái cây…
- Uống thuốc hạ sốt: Cho bé uống thuốc hạ sốt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng thuốc Ibufrophen, Aspirin để hạ sốt. Thuốc này rất có hại đối với người bị bệnh SXH vì dễ gây xuất huyết nặng.
Cách hạ sốt hoàn toàn tự nhiên
Tuy hầu hết các trường hợp sốt đều vô hại, nhiệt độ cơ thể tăng quá cao có thể gây ra cảm giác mệt mỏi, đau nhức và gây co giật. Để giảm nhẹ tất cả những vấn đề trên, bạn có thể thử một vài biện pháp hoàn toàn tự nhiên dưới đây
- Dinh dưỡng cho bé bị SXH: Cho bé ăn thức ăn ở dạng lỏng, nhiều dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa. Đặc biệt, cần cung cấp thêm các loại vitamin nhóm A, B, C nhằm tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh. Khi bị SXH, trẻ cần nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, không cho trẻ tiếp xúc với mưa, nắng. Mặc quần áo rộng rãi, lau người bằng khăn ấm để tránh sốt cao gây co giật.
Lưu ý:
- Không nên cạo gió, cắt lễ vì sẽ làm đau và chảy máu có thể gây nhiễm trùng.
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc, chỉ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.
- Không nên cho bé uống các loại nước sẫm màu đen hoặc đỏ vì sẽ gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Bác sĩ
KIỀU ĐÌNH THÁI
- Nâng cao Chỉ số PCI: Cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm
- Thị trường mỹ phẩm: Thật - giả lẫn lộn
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị
- Không được yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ, phải sao y, công chứng
- Quy định mới về xét tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”