Văn hóa - Nghệ thuật
Truyền nghề đờn ca tài tử trong gia đình: Một cách bảo tồn hiệu quả
Những gia đình có nhiều thế hệ đam mê ĐCTT xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp nơi trong tỉnh. Ban đầu, chuyện đờn ca chỉ đơn giản để giải tỏa mệt nhọc, muộn phiền cho bản thân, nhưng sau đó nhiều người, nhiều nhà đã có ý thức truyền dạy cho con cháu “nối nghiệp”. Và gia đình có đến 3 - 4 đời theo đuổi loại hình nghệ thuật ĐCTT hiện nay không còn là “hàng hiếm”!
Đối với những ai đam mê, thì ĐCTT đã trở thành “máu thịt” của họ! Và những “người trong cuộc” ấy luôn tâm niệm rằng, phải truyền nghề cho con cháu để giữ gìn “vốn quý” của tiền nhân đã dày công sáng tạo. Hình ảnh ông - cha đờn cho con - cháu ca là hình ảnh quá đỗi thân thương và đầm ấm tình yêu gia đình. Từ tình thương ấy, sự truyền nghề cũng trở nên dễ dàng hơn. Con - cháu ca sai rớt nhịp, ông - cha uốn nắn liền; ca chưa được, ông - cha cũng chịu khó đờn đi đờn lại nhiều lần cho con - cháu quen tiếng đờn, gõ nhịp. Đó chính là cách bảo tồn ĐCTT rất tự nhiên mà vô cùng hiệu quả.
Nghệ nhân ưu tú Trương Hoàng Triều đờn cho cháu ngoại ca. Ảnh: N.V
Gia đình nghệ nhân ưu tú Trương Hoàng Triều (khóm 2, phường 7, TP. Bạc Liêu) có 3 thế hệ theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Cha của ông Hoàng Triều là ông Trương Thất Cửu - bạn chí cốt với bác Sáu Lầu. Cho nên mới 7 tuổi đầu, cậu bé Hoàng Triều đã theo ông Cao Văn Lầu “học đạo”. Hơn 13 tuổi, Hoàng Triều đã đờn ca được các bài bản tài tử. Có lẽ thừa hưởng “gen di truyền” đó mà bé Bòng Bong (cháu ngoại ông Hoàng Triều) mới 3 tuổi đã ca được “Lý chiều chiều”, bản “Dạ cổ hoài lang” theo tiếng đờn của ông. Dẫu chưa được tròn vành rõ chữ, nhưng cô bé đã bộc lộ năng khiếu hát ca. “Bây giờ mỗi khi thấy tôi lấy chiếc song lang là bé Bòng Bong lại gần nói ngoại đờn cho con ca. Ngày nào cũng tập ca với tôi và tôi đang có ý định truyền nghề cho con bé”.
Ở nhiều gia đình khác, sự truyền nghề cũng bắt đầu rất giản đơn như thế. Đối với họ, ĐCTT như một thứ tài sản quý giá nên mong muốn lưu truyền qua nhiều thế hệ. Gia đình ông Ba Sại (Cao Văn Sại, khóm 8, phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) cũng được xem là một điển hình. Trong 4 người con gái của ông, có 2 người đam mê ĐCTT giống vợ chồng ông. Chính vì thế, ông tâm nguyện sẽ truyền nghề lại cho 2 cô con gái này. Chiều chiều, sau khi xong hết việc nhà, ông thường ôm đờn để đờn cho vợ con ca. Ông Ba Sại thường hay nhớ lại cái thời còn ôm đờn guitar thùng, chứ chưa có được đờn guitar điện như bây giờ, vậy mà ông vẫn bị nghiện môn nghệ thuật ĐCTT. Hễ có ai rủ đi phục vụ đám tiệc là hai vợ chồng “phóng” đi liền, “mà chủ yếu là giúp vui, ca cho thỏa niềm đam mê chớ có lấy đồng xu cắc bạc nào đâu”, ông Ba Sại chia sẻ. Hai cô con gái cũng đam mê như cha mẹ, cứ thấy nhà có đờn ca đều hào hứng tham gia.
Có thể nói, việc truyền ngón nghề đờn ca trong gia đình chính là một cách bảo tồn ĐCTT hay và hiệu quả. Bởi lẽ, việc bảo tồn phải xuất phát từ tính tự giác, niềm đam mê tự nhiên và cách truyền nghề trong gia đình đã làm được điều này!
Ngọc Vũ